Tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi già mà còn có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như di truyền, rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng hay căng thẳng kéo dài. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có biện pháp chăm sóc phù hợp để giữ mái tóc luôn khỏe mạnh và tươi trẻ.
Tóc bạc là hiện tượng sinh lý thường gặp trong quá trình lão hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do các tế bào sản xuất melanin – sắc tố tạo màu cho tóc – suy giảm theo tuổi tác. Khi lượng melanin bị giảm hoặc ngừng sản xuất, tóc dần mất đi màu sắc tự nhiên và chuyển sang màu xám hoặc trắng.
Tuy nhiên, không ít người gặp tình trạng tóc bạc khi còn rất trẻ. Đây là hiện tượng tóc bạc sớm, phần lớn liên quan đến quá trình bài tiết melanin bị rối loạn. Trong nhiều trường hợp, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng khiến mái tóc bạc đi dù tuổi đời còn rất trẻ.
Nguyên nhân khiến tóc bạc có thể được chia thành hai nhóm chính: bẩm sinh và mắc phải. Ở nhóm nguyên nhân bẩm sinh, tóc bạc thường liên quan đến các rối loạn di truyền như thiếu melanin, giảm sắc tố bẩm sinh, thiếu máu hoặc mắc bệnh bạch biến. Trong khi đó, nhóm nguyên nhân mắc phải lại bắt nguồn từ những yếu tố như mắc các bệnh lý mạn tính (lao, tiểu đường), rối loạn hoạt động của cơ quan bài tiết hoặc thiếu hụt hormone tuyến giáp. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối, thiếu protein, khoáng chất cũng có thể làm giảm sắc tố tóc, khiến tóc nhanh chóng chuyển bạc.
Một số nguyên tố vi lượng như kali và đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì màu tóc. Khi cơ thể thiếu hụt các chất này, quá trình sản xuất melanin bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng bạc tóc sớm. Mặt khác, yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu, áp lực kéo dài cũng có thể khiến tóc bạc đột ngột. Trong một số trường hợp, người bị stress nặng có thể chứng kiến mái tóc đen chuyển trắng chỉ trong thời gian ngắn.
Về mặt sinh học, nang tóc bình thường chứa nhiều mạch máu, có nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất cần thiết để duy trì sức sống cho tóc và hỗ trợ tổng hợp melanin. Khi nang tóc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi khiến quá trình hình thành và vận chuyển melanin gặp cản trở, tóc sẽ dần mất màu. Lúc này, các lớp tủy và vỏ tóc – nơi lưu giữ melanin – bị thiếu hụt sắc tố, dẫn đến tóc bạc.
Thực tế cho thấy, căng thẳng quá mức có thể thúc đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, nếu trạng thái tâm lý được cải thiện và cơ thể được chăm sóc đúng cách, tóc bạc hoàn toàn có thể chậm lại, thậm chí phục hồi phần nào tình trạng ban đầu. Vì vậy, việc duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và kiểm soát stress chính là chìa khóa để bảo vệ mái tóc và sức khỏe nói chung./.