Gần 50.300 giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông tại TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh quy mô lớn, nhằm làm cơ sở cho đề án nâng cao chất lượng giáo viên và đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh đối với 50.278 giáo viên các cấp học trên toàn thành phố. Đây là cuộc khảo sát quy mô lớn, diễn ra từ ngày 23 đến 29/4/2025, dành cho cán bộ quản lý và giáo viên từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Trong số này, có 22.284 giáo viên tiểu học, 10.088 giáo viên trung học cơ sở và 8.229 giáo viên trung học phổ thông. Về chuyên môn, có 4.721 giáo viên tiếng Anh và 45.557 giáo viên thuộc các bộ môn khác.
Bài khảo sát được thực hiện theo hình thức trực tuyến, kéo dài 90 phút, với nội dung bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết, được thiết kế và chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English, bảo đảm tính khoa học, khách quan và bám sát khung tham chiếu châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).
Kết quả cho thấy, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ B1 chiếm 35,09%; B2 là 13,63%; C1 là 3,69% và C2 là 0,29%. Trong khi đó, có 11,35% giáo viên đạt trình độ A2; 9,45% đạt A1 và 26,5% còn lại ở các trình độ khác chưa xác định rõ theo khung phân loại. Như vậy, có 52,75% giáo viên đạt từ trình độ B1 trở lên – mức chuẩn cần thiết theo quy định của khung tham chiếu châu Âu.
Phân tích theo từng cấp học, kết quả khảo sát cho thấy ở bậc tiểu học, 34,46% giáo viên đạt B1, 13,43% đạt B2, 1,91% đạt C1 và chỉ 0,17% đạt C2. Trong khi đó, tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt A1 và A2 lần lượt là 9,95% và 11,85%. Với cấp trung học cơ sở, tỷ lệ giáo viên đạt B1 là 34,57%, B2 là 14,24%, C1 là 3,14%, C2 là 0,22%, còn lại A1 là 9,94% và A2 là 12,05%. Đối với giáo viên trung học phổ thông, tỷ lệ đạt B1 là 34,74%, B2 là 12,91%, C1 là 9,27%, C2 là 0,71%; các mức A1 và A2 chiếm lần lượt 7,23% và 8,7%.
Kết quả khảo sát của từng cá nhân giáo viên đã được công bố trên hệ thống vào ngày 7/5. Theo ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong quá trình xử lý kết quả, cụm từ “có độ tin cậy” được dùng cho giáo viên tiếng Anh; giáo viên các môn khác có kết quả 2 kỹ năng sát với trình độ chứng chỉ đã đạt (chênh lệch không quá một bậc); hoặc không có chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả dưới B1.
Trường hợp “chưa đủ độ tin cậy” được áp dụng khi giáo viên các môn khác có kết quả chênh lệch từ hai bậc trở lên so với chứng chỉ hoặc làm bài trong thời gian ngắn bất thường. Với những giáo viên “chưa có thông tin tin cậy”, nghĩa là không xác định được môn học hay chứng chỉ nhưng đạt kết quả từ B2 trở lên, cần được kiểm tra bổ sung để xác thực năng lực.
Ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh, mục tiêu chính của cuộc khảo sát là để nắm bắt thực trạng tổng thể, từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên. Đây là nền tảng quan trọng để TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cam kết tuyệt đối không sử dụng kết quả khảo sát cho các mục đích thi đua, xét lương, khen thưởng hay kỷ luật cá nhân. Thông tin kết quả từng giáo viên được bảo mật hoàn toàn, chỉ cá nhân giáo viên và tổ chuyên trách của Ban chỉ đạo xây dựng đề án mới được tiếp cận dữ liệu này để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách.
Từ kết quả thực tế thu thập được, Sở sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình bồi dưỡng phù hợp, khả thi nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo đúng tinh thần Kết luận 91-KL/TW. Cuộc khảo sát lần này được xem là bước khởi đầu quan trọng trong việc chuẩn hóa năng lực giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho giáo dục TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới./.