Bộ trưởng thương mại của ba quốc gia hàng đầu châu Á đã tổ chức họp tại Seoul, Hàn Quốc để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và tăng cường ổn định chuỗi cung ứng, trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp thuế nhập khẩu.
Ngày 30/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt đồng thuận về việc "hợp tác chặt chẽ trong tổ chức các cuộc đàm phán toàn diện, cấp cao" nhằm tiến tới một hiệp định thương mại tự do chung. Mục tiêu của các cuộc đàm phán này là thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực cũng như trên toàn cầu, theo thông cáo chung sau cuộc họp.
"Việc cần thiết hiện tại là củng cố thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định cả ba nước cùng tham gia và tạo ra khung chính sách cho mở rộng hợp tác thương mại, thông qua đàm phán FTA Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản", Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun cho biết.
RCEP, có hiệu lực từ năm 2022, quy tụ 15 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới việc giảm bớt rào cản thương mại giữa các thành viên.
Cuộc đối thoại lần này diễn ra trong bối cảnh ngày 2/4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố các biện pháp áp thuế nhập khẩu mới nhằm vào một số đối tác thương mại lớn. Ông Trump gọi đây là "ngày giải phóng của nước Mỹ".
Mỹ công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu với loạt quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã áp mức thuế bổ sung 20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đánh thuế 25% đối với xe hơi nhập khẩu, ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia xuất khẩu ô tô hàng đầu vào thị trường Mỹ.
Nỗ lực thiết lập hiệp định thương mại tự do giữa ba nước bắt đầu từ năm 2012, nhưng tiến trình này đã gặp nhiều trở ngại do các bất đồng địa chính trị kéo dài. Với việc nối lại đối thoại kinh tế lần này, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế bất chấp các thách thức từ bên ngoài./.