Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức tăng đối ứng. Bộ Thương mại Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn, kêu gọi Hoa Kỳ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp áp thuế đơn phương, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Hoa Kỳ đã áp đặt cái gọi là "thuế quan đối ứng" dựa trên những đánh giá chủ quan và đơn phương, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế, đồng thời gây tổn hại đáng kể đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan."
Phía Trung Quốc cáo buộc quyết định của chính quyền Trump là một "hành vi bắt nạt đơn phương điển hình", đồng thời chỉ ra rằng nhiều quốc gia đã bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và lên tiếng phản đối.
Theo tuyên bố của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, kèm theo mức thuế cao hơn đối với một số nước cụ thể. Trong đó, Trung Quốc chịu mức thuế 34%, Liên minh châu Âu 20%, Việt Nam 46% và Đài Loan 32%.
Đặc biệt, đối với Trung Quốc, mức thuế mới này sẽ được cộng dồn với mức thuế 20% hiện hành, nâng tổng mức thuế lên đến 54%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Điều này đưa chính sách thương mại của Trump tiến gần hơn đến cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông, vốn đề xuất mức thuế 60% đối với Trung Quốc.
Tai Hui, chiến lược gia thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại JP Morgan Asset Management, nhận định rằng mức thuế mới có thể đẩy mức thuế quan trung bình của Mỹ lên mức cao chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ 20, đồng thời cảnh báo điều này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho rằng tác động của chính sách thuế quan lần này sẽ nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn so với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu. Ông nhận định: "Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, nhưng những biện pháp này chỉ có thể bù đắp một phần tổn thất do thuế quan gây ra."
Theo ước tính của Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nền kinh tế Trung Quốc có thể suy giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm GDP, tùy thuộc vào biến động tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, dữ liệu từ LSEG cho thấy đồng Nhân dân tệ đang mất giá mạnh, với tỷ giá ở nước ngoài giảm 0,7% xuống mức thấp kỷ lục 7,3484 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Trước tình thế căng thẳng leo thang, Stephen Olson, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Yusof Ishak ở Singapore, nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng những biện pháp mạnh nhưng mang tính tương xứng, vượt ra ngoài phạm vi thuế quan, nhắm đến các doanh nghiệp Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh: "Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến bàn đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện, nhưng trước mắt, căng thẳng có thể sẽ leo thang hơn nữa trước khi hai bên đạt được bất kỳ sự nhượng bộ nào."
Với những động thái cứng rắn từ cả hai phía, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ bước vào một giai đoạn căng thẳng mới, đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế toàn cầu./.