VTV.vn - Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm chỉ số Chính phủ điện tử ở mức rất cao, tăng 15 bậc so với năm 2022, đứng thứ 71 trên 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt trên 55%, với 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023), với tỷ lệ thanh toán số tăng 19%.
Chuyển đổi số đã thành chủ đề của Liên hợp quốc năm 2024
"Sự gắn kết giữa Chính phủ điện tử, Chính phủ số với chuyển đổi số đã thành chủ đề của Liên hợp quốc năm nay. Qua đánh giá của Liên hợp quốc thì chúng ta có sự tăng hạng rất mạnh. Hai năm trước Việt Nam đứng thứ 86 thì bây giờ đứng thứ 71. Trên quy mô quốc tế, Việt Nam có sự tăng trưởng về chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Đó là điều rất đáng mừng cho chúng ta trong thời gian tới", ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Chính phủ đã tạo ra sự thống nhất trong triển khai chuyển đổi số. Việt Nam có nền tảng pháp lý, hạ tầng số và nguồn lực doanh nghiệp công nghệ tốt để thúc đẩy chuyển đổi số. Người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia vào các dịch vụ số.
"Việt Nam cũng có thuận lợi là độ mở của nền kinh tế Việt Nam và sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ thế giới của Việt Nam rất là cao. Chúng ta thấy ở Việt Nam có Google, Facebook, Tiktok… Rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tham gia vào cung cấp các dịch vụ số cho Việt Nam và họ cũng rất năng động trong việc đào tạo các kỹ năng số cho người dùng. Sự hợp lực của các doanh nghiệp không chỉ ở trong nước và nước ngoài đều đang tạo ra sự phát triển rất nổi bật trong thời gian vừa rồi", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết.
Nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện trực tuyến cấp độ 4
Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục. Theo ông Tiến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở cấp địa phương chỉ đạt 18%. Tỷ lệ này cần sớm được cải thiện. Một số hoạt động trong cơ quan nhà nước vẫn chưa được đưa lên môi trường trực tuyến hoàn toàn. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong an ninh mạng.
Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đầu tư cho các nền tảng số quốc gia. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số chuyên nghiệp cũng cần được tiến hành đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Quá trình triển khai đồng bộ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sẽ giúp cải thiện tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở cấp địa phương, đưa các hoạt động trong cơ quan nhà nước lên môi trường trực tuyến hoàn toàn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần hoàn thiện các quy định pháp lý về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong an ninh mạng.
Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mang lại những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Với sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới. Đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!