Từ ngày 28/4 đến 1/5, các ủy ban thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tiến hành một loạt phiên họp quan trọng liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, trợ cấp và chống bán phá giá.
Các cuộc họp ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều thành viên, trong đó có Việt Nam, và tập trung thảo luận nhiều vấn đề nổi bật liên quan đến thép, thịt gia súc, và trợ cấp công nghiệp.
Ủy ban Tự vệ đã xem xét 22 biện pháp tự vệ được thông báo bởi 13 thành viên WTO, trong đó có 7 vụ việc liên quan đến các sản phẩm thép hoặc kim loại. Đáng chú ý là thông báo sửa đổi của Liên minh châu Âu (EU) đối với biện pháp tự vệ năm 2019 áp dụng cho thép từ Anh và biện pháp năm 2020 với một số sản phẩm thép khác. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gây chú ý khi thông báo khởi xướng điều tra đối với thịt gia súc vào tháng 12/2024.
Cũng trong khuôn khổ ủy ban này, EU và Ấn Độ đã đề nghị tổ chức tham vấn liên quan đến các biện pháp của Mỹ thực hiện theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, mà hai nước cho rằng là biện pháp tự vệ trá hình. Phía Mỹ bảo vệ lập trường rằng đây không phải là biện pháp tự vệ mà là hành động bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều XXI của GATT 1994. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận từ các thành viên như EU, Ấn Độ, Trung Quốc và Anh.
Ủy ban Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng trong cuộc họp ngày 29/4 đã tiếp tục kêu gọi các thành viên gửi báo cáo trợ cấp đúng hạn để đảm bảo minh bạch. Ủy ban đã rà soát báo cáo trợ cấp, các biện pháp áp thuế sơ bộ và cuối cùng, cùng với các báo cáo bán niên giai đoạn tháng 7–12/2024 của nhiều thành viên, bao gồm cả Việt Nam.
Ủy ban Chống bán phá giá cũng tiến hành rà soát báo cáo bán niên và các biện pháp chống bán phá giá giai đoạn tháng 7–12/2024. Tại đây, các thành viên đã thảo luận nhiều vấn đề gây chú ý như: "Chính sách và biện pháp trợ cấp phân biệt đối xử của Mỹ" (Trung Quốc đề xuất), "Chương trình trợ cấp xe điện của Pháp" (Hàn Quốc đề xuất), và "Trợ cấp và tình trạng dư thừa công suất" (do EU, Nhật Bản, Anh và Mỹ đồng đề xuất).
Bên cạnh đó, nhóm công tác về thực thi của Ủy ban Chống bán phá giá đã trao đổi chuyên sâu về một số thủ tục kỹ thuật trong điều tra và áp thuế chống bán phá giá.
Những phiên họp lần này cho thấy WTO tiếp tục là diễn đàn quan trọng để các nước thành viên trao đổi, giám sát và bảo vệ quyền lợi thương mại của mình trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp./.