Với thuế đối ứng, kinh tế Việt Nam đối diện thách thức lớn. Song, “trong nguy có cơ”, đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tự chủ.
Áp lực thuế quan
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn cho hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Có tổng kim ngạch thương mại với Mỹ lên tới hơn 130 tỷ USD, nguy cơ bị áp thuế đối ứng được xem là một thách thức lớn với kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa của Việt Nam có tác động rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành chế biến chế tạo, thu hút FDI, đầu tư trong nước, dịch vụ… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, dệt may, da giày… có nguy cơ bị giảm kim ngạch xuất khẩu.
"Khi Mỹ tăng thuế thì giá cả của mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh với hàng hóa các nước khác. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ suy giảm khiến cho cầu hàng hóa Việt Nam sẽ giảm theo", ông Hoài phân tích.
Với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong tổng số hơn 44 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2024, thị trường Mỹ chiếm đến 40%, tương đương với 18 tỷ USD. Hiện tại, mức thuế trung bình hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ là 15-16%, tuỳ loại sản phẩm. Như vậy, nếu Mỹ thực sự áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% như công bố, hàng dệt may Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế trung bình từ 61-62% khi vào Mỹ.
Hay như với ngành thuỷ sản, hai mặt hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mức thuế nhập khẩu của Mỹ là tôm và cá tra. Ngoài việc tính toán lại các đơn hàng đã kí, các doanh nghiệp hiện đã tính tới bài toán giảm sản lượng nuôi và tính toán lại các chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh.
“Cần tìm những thị trường xuất khẩu tốt nhất để tồn tại trong lúc này. Thậm chí, có thể phải giảm sản lượng xuống vì hiện nay, sản lượng đang chênh cung - cầu nên phải cân đối lại”, ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt chia sẻ.
“Trong nguy có cơ”
Chỉ ít giờ sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì một cuộc họp thường trực Chính phủ để bàn về các giải pháp ứng phó.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Thủ tướng chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan…
Dù khó khăn song Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế. Thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa.
Nhận định về các phản ứng, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh sự linh hoạt, kịp thời.
“Trái tim thì nóng song cái đầu thì rất lạnh. Rất bình tĩnh, rất tự tin xử lý vấn đề. Các chỉ đạo mang tầm chuyển đổi nền kinh tế. Chúng ta sẽ tự chủ nhiều hơn, chuyển đổi để không phụ thuộc vào một thị trường. Chúng ta chủ động hơn, nâng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Đây được xem là trong nguy có cơ. Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị”, ông Dũng đánh giá những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã sử dụng cụm từ “"dĩ bất biến, ứng vạn biến" cho tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vinh cho biết ở góc độ đối ngoại, chỉ đạo của Thủ tướng đã định hình rõ phương hướng giải quyết theo hướng “ngắn - dài” và “trong - ngoài”
“Với “ngắn - dài”, vấn đề thuế quan cần sớm được xử lý, kịp thời. Trước khi tính cái lâu dài như đa dạng hóa thị trường, tăng cường nội lực quốc gia thì vấn đề thuế phải làm ngay. Với “trong - ngoài” thì trong nước phải chuẩn bị sẵn sàng, tăng cường nội lực, chuẩn bị giải pháp ứng phó”, ông Vinh phân tích.
Chủ động ứng phó, giữ đà xuất khẩu
Từ đầu năm tới nay, Công ty Dây và cáp điện Vạn Xuân đã xuất bán gần 2.000 tấn hàng dây và cáp điện, doanh thu hơn 350 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được kết quả này, từ nhiều tháng qua, doanh nghiệp đã mạnh dạn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Đây cũng là phương hướng quan trọng cho xuất khẩu trong quý tiếp theo.
"Hiện nay, cán bộ công nhân viên của chúng tôi cũng đang xúc tiến đầu tư thương mại với các nước châu Phi. Sản phẩm dây cáp điện của chúng ta tương đối cạnh tranh. Các nước đó nhu cầu của họ rất lớn”, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Dây và cáp điện Vạn Xuân cho biết.
Nếu doanh nghiệp biết tận dụng thị trường, có thể đạt mức tăng trưởng từ 20-30% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, ông Đặng Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho biết, thời gian tới doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư máy móc thiết bị để hiện đại hóa, giảm bớt sức lao động. Từ đó nâng năng suất cao, giảm giá thành, để bù lại những khoản thuế có thể bị áp.
Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt trên 102 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì trạng thái thặng dư với 3,15 tỷ USD. Cán cân thương mại vẫn duy trì trạng thái thặng dư, cho thấy khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế được củng cố. Đây là nền tảng để xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới.
Để duy trì đà xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như thị trường Trung Đông, Mỹ Latin. Tăng cường xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics để làm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam nhằm đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thị trường. Thường xuyên theo dõi chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.