Quýt hồng được trồng ở đất Lai Vung (Đồng Tháp) vào đầu thế kỷ XX. Đặc sản nổi tiếng này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền.
Quýt hồng Lai Vung được trồng chủ yếu ở ba xã ven sông Hậu là Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Diện tích trồng quýt hồng hiện hơn 2.200 ha, mỗi năm Lai Vung cung cấp khoảng 42.000 tấn quýt cho thị trường.
Đặc sản nổi tiếng này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền. Ảnh Hòa Hội
Năm nay mặc dù thời tiết bất lợi từ đầu vụ do nắng nóng kéo dài, hoặc có khi mưa nhiều làm rụng bông hoặc nứt trái, ảnh hưởng đến năng suất, tuy nhiên, nhờ kỹ thuật canh tác tốt, cây cho trái sum suê, trĩu quả để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trả lời phỏng vấn báo Kinh tế đô thị, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ vườn quýt Hồng Danh ở xã Tân Thành (Lai Vung) cho biết, hiện đang là mùa phục vụ khách du lịch thăm quan, đến ngày 26 -27 Tết sẽ ngưng đón khách, để thu hoạch cung ứng cho thị trường Tết. Nhà bà Hồng năm nay cũng có 0,4 ha quýt đang cho trái sum suê.
Cách nay 16 năm, gia đình bà Hồng là một trong những người phục vụ khách tham quan vườn quýt đầu tiên ở Lai Vung cho đến giờ.
Theo ông Đoàn Anh Kiệt ở xã Long Hậu (Lai Vung), năm nay, tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng trong thời gian dài. Quýt hồng là loại cây dễ mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ môi trường cao là nó sẽ rụng quả. Vườn ông cũng bị rụng trái do thời tiết nắng nóng, tuy nhiên nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ và tưới lấy trái đúng thời điểm nên trái quýt hồng đạt độ bóng, đều và màu sắc đẹp. Năm nay, vườn quýt hồng rộng 5.000 m2 của ông ước tính đạt khoảng 10 tấn trái.
Hiện huyện Lai Vung có hơn 220 ha quýt hồng cho trái, phần lớn áp dụng quy trình canh tác hữu cơ theo Đề án bảo tồn vườn quýt hồng của địa phương./.