Thực phẩm và đồ uống đóng gói phải có thông tin dinh dưỡng dễ đọc ở mặt trước của sản phẩm để giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn lành mạnh, tốt hơn cho sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ban hành hướng dẫn với khuyến nghị nhãn cảnh báo nghiêm ngặt hơn. Hướng dẫn của WHO khuyến nghị các chính phủ nên áp dụng nhãn giải thích, bao gồm thông tin dinh dưỡng và ý nghĩa của những thông tin đó đối với sức khỏe của người sử dụng.
Dữ liệu của WHO cho thấy tình trạng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến có hàm lượng muối, đường và chất béo cao là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng béo phì toàn cầu. Hiện hơn 1 tỷ người đang sống chung với căn bệnh này và ước tính có 8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, các chính phủ đã phải vật lộn để đưa ra những chính sách nhằm kiềm chế thực trạng này. Hiện chỉ có 43 quốc gia thành viên WHO có quy định dán nhãn ở mặt trước bao bì sản phẩm bắt buộc hoặc tự nguyện, dù có bằng chứng cho thấy nhãn mác có thể ảnh hưởng đến hành vi mua hàng.
WHO đã bắt đầu xây dựng dự thảo hướng dẫn - chưa từng được báo cáo trước đây - vào năm 2019. Mục đích của dự thảo hướng dẫn là "hỗ trợ người tiêu dùng đưa ra quyết định liên quan đến việc mua sắm thực phẩm lành mạnh hơn" - bà Katrin Engelhardt, nhà khoa học thuộc Bộ phận Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO, xác nhận.
(Ảnh: Instant custom Boxes)
Một cuộc tham vấn công khai về dự thảo hướng dẫn đã kết thúc vào ngày 11/10. Dự thảo hướng dẫn hoàn thiện sẽ được công bố vào đầu năm 2025.
Hướng dẫn của WHO khuyến nghị các chính phủ triển khai việc dán nhãn gồm thông tin dinh dưỡng của một sản phẩm và giải thích về ý nghĩa của thông tin đó đối với sức khỏe .
Một ví dụ là NutriScore - được phát triển tại Pháp và được sử dụng ở một số quốc gia châu Âu - xếp hạng thực phẩm từ A (màu xanh lá cây, chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu) đến E (màu đỏ, chứa hàm lượng muối, đường, chất béo hoặc calorie cao).
Điều quan trọng nhất đối với hầu hết các quốc gia trên toàn cầu là hạn chế lượng đường bổ sung, natri, chất béo bão hòa và thực phẩm siêu chế biến nói chung. Và đây là những gì nhãn cảnh báo có thể làm tốt nhất.
Liên minh Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế (IFBA) với nhiều thành viên, trong đó có Coca Cola và Mondelez International, cho biết thành viên của tổ chức này đã đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn này bao gồm liệt kê thành phần dinh dưỡng ở mặt sau của bao bì, cùng với thông tin chi tiết ở mặt trước về hàm lượng calorie, phù hợp với hệ thống Codex Alimentarius quốc tế.
"Đây là điều mà các công ty toàn cầu có thể làm, nhưng rõ ràng là chưa đủ" - ông Rocco Renaldi, Tổng Thư ký IFBA, nói. Ông Renaldi cho biết các thành viên của liên minh này ủng hộ rộng rãi hướng dẫn của WHO và dán nhãn dựa trên thành phần dinh dưỡng.
"Nhìn chung, chúng tôi không ủng hộ những biện pháp tiếp cận làm mất uy tín các sản phẩm cụ thể" - ông Renaldi nói - "Chúng tôi không nghĩ rằng việc dán nhãn cảnh báo sức khỏe chỉ phù hợp với các sản phẩm thực phẩm được coi là an toàn, được chấp thuận và có mặt trên thị trường, cũng như được người tiêu dùng yêu thích".