Dịp cuối năm, các siêu thị, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung dồi dào đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại đang là cao điểm mua sắm cuối năm và cũng là mùa bận nhất của ngành bán lẻ, các siêu thị, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung dồi dào cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Mỗi tuần 3 lần, anh Trần Văn Kỳ (quận Hà Đông, TP Hà Nội) thường đến siêu thị mua đồ cho gia đình. Thông thường mỗi lần anh chi từ 500.000 - 1.000.000 đồng để mua sắm, nhưng càng về cuối năm thì chi tiêu càng phải tăng lên.
"Thường tôi mua hàng vào dịp trước Tết, khoảng một tháng. Sản phẩm trong siêu thị rất đa dạng và phong phú", anh Kỳ chia sẻ.
Càng về cuối năm và đặc biệt giờ cao điểm chiều hay cuối tuần, siêu thị càng đón đông lượng khách tới mua sắm, phần vì nhu cầu cho gia đình tăng, phần nữa vì nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn người dùng.
Chị Nguyễn Thị Mai - quận Thanh Trì, TP Hà Nội cho hay: "Trong các chương trình cuối năm thì việc mua các sản phẩm trực tiếp tại các siêu thị sẽ thu hút hơn, bởi vì sẽ có nhiều chương trình khuyến mại hơn. Nó sẽ quyết định khoảng 70% tỷ lệ mua hàng".
Đại diện một siêu thị cho biết, năm nay tổng sản lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu cho mùa cuối năm thuộc chương trình bình ổn là hơn 12.000 tấn, tăng từ 30% - 50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Không chỉ tập trung các mặt hàng thiết yếu, siêu thị cũng đã chuẩn bị sẵn các giỏ quà tết Ất Tỵ phù hợp với túi tiền của người dân.
Một số siêu thị cũng cho biết, họ cũng đã kết nối xong với các hợp tác xã rau củ quả tại Đà Lạt, các tỉnh phía Bắc để đảm bảo ổn định nguồn rau xanh. Nhân viên cũng đã được phân ca làm việc để không xảy ra tình trạng ùn ứ quầy thanh toán, hoặc chậm giao hàng.