VTV.vn - Bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, một người đàn ông ở Đức tin rằng có thể an ủi vợ của mình sau khi ông qua đời.
Một người đàn ông ở Đức đã nghĩ ra cách để an ủi vợ sau khi ông qua đời, đó là sử dụng công nghệ đang được nói đến rất nhiều - trí tuệ nhân tạo (AI). Ông sẽ để AI thay thế mình khi người bạn đời của ông không còn ai để dựa vào nữa.
Khi ông Michael Bommer biết mình mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ông đã dành rất nhiều thời gian ở bên bà Anett, vợ ông, để nói về những gì sẽ xảy ra sau khi ông qua đời.
Bà Anett nói với chồng rằng, một trong những điều bà sẽ nhớ nhất về ông là có chuyện gì cũng có thể hỏi ông bất cứ khi nào vì ông là người đọc nhiều và luôn chia sẻ sự hiểu biết của mình với bà.
Ông Michael Bommer và bà Anett Bommer (Ảnh: AP)
Những cuộc trò chuyện đó đã khơi dậy ý tưởng cho ông Bommer về việc tạo ra một giọng nói AI có thể tồn tại mãi sau khi ông qua đời.
Doanh nhân khởi nghiệp 61 tuổi đã hợp tác với người bạn của ông ở Mỹ là Giám đốc điều hành của một nền tảng sử dụng công nghệ AI. Đây là một trong số nhiều công ty nổi lên vài năm gần đây trong bối cảnh nhu cầu sử dụng công nghệ AI để đối mặt với những nỗi đau ngày càng tăng.
Trong vòng hai tháng, họ đã xây dựng "phiên bản AI tương tác toàn diện" cho ông Bommer. Ông cũng là khách hàng đầu tiên của công ty.
"Giọng nói AI này không chỉ dành cho Anett. Nó còn như một cuốn hồi ký mà tôi để lại. Nó như những ngăn kéo trên tường hoặc trong tủ. Tùy theo ai muốn gì, họ có thể lấy kéo ngăn kéo ra và nghe tôi nói về điều đó" - ông Michael Bommer chia sẻ.
Phiên bản AI của ông Bommer sử dụng mô hình do công ty sản xuất cùng với các mô hình ngôn ngữ lớn được phát triển bởi các công ty công nghệ lớn như Meta, OpenAI và Mistral AI.
Công ty ghi lại giọng của khách hàng nói 300 cụm từ, chẳng hạn như "anh yêu em" hoặc "cửa đang mở đấy" và sau đó nén các thông tin đó qua một quy trình của máy tính trong 2 ngày để tạo ra giọng nói của khách hàng bằng AI.
Người dùng còn có thể đào tạo hệ thống AI thêm bằng cách nạp các câu trả lời về cuộc sống, quan điểm chính trị hoặc các khía cạnh khác nhau trong tính cách của họ.
Kết quả là giọng nói AI tốn 15.000 USD (khoảng 380 triệu đồng) để tạo ra này có thể trả lời các câu hỏi và kể những câu chuyện về cuộc sống của khách hàng. Nó cũng có thể đọc những câu chuyện cho vợ ông Bommer nghe trước giờ ngủ và dựa vào tính cách của ông Bommer, nó sẽ đưa ra bình luận về các sự kiện hiện tại bằng cách lấy thông tin từ các mô hình được đào tạo từ tài liệu trên Internet.
Ông Bommer rất phấn khích, tin tưởng rằng rồi đây sẽ phát triển được cả hình đại diện của ông và một ngày nào đó, các thành viên trong gia đình ông có thể đến gặp ông trong một căn phòng ảo.
Ông Matthias Meitzel - nhà nghiên cứu về đạo đức, luật và bảo mật định dạng kỹ thuật số của "Thế giới bên kia" - cho rằng: "Đau buồn là một cái gì đó rất, rất cá nhân. Và đặc biệt trong thời đại ngày nay, được đặc trưng bởi sự cá nhân hóa, nỗi đau buồn có lẽ mang tính cá nhân hơn bao giờ hết… Một trong những thách thức lớn là những người thương tiếc người thân phải tìm ra cách riêng của mình để biết được cách thương nhớ nào hợp với tôi, cách nào không hợp".
Điều mà nhà nghiên cứu Meitzel nói có lẽ đúng với trường hợp của vợ ông Bommer. Bà Anett do dự trước phần mềm được tạo ra và không biết mình có sử dụng nó sau khi chồng qua đời hay không.
"Tôi tự nghĩ, tôi thà ngồi đây bên chiếc áo len anh ấy yêu thích, cùng với một ly rượu vang còn hơn là cảm thấy cần phải nói chuyện với AI. Thời gian đầu, tôi nghĩ sẽ như vậy. Nhưng sau đó thì chưa biết được" - bà Anett Bommer chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!