Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm thị trường.
Số liệu thống kê của Cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 38 tỷ USD, đã giảm 7% so với nửa cuối tháng 6. Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm thị trường.
Hiện tại cũng là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp cần chuẩn bị đơn hàng cho cao điểm cuối năm. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực được xem là vựa nông sản của cả nước, các doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng sản phẩm và mở rộng kênh tiêu thụ.
Để sớm đạt mốc 110 triệu USD về doanh thu, nhà máy tôm tại đây đang đẩy mạnh thu mua và chế biến. Theo doanh nghiệp, hai quý cuối năm có nhiều lễ hội, là thời điểm vàng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: "Ở Nhật Bản có Lễ hội Obon, ở Mỹ chuẩn bị cho dịp Noel và năm mới, họ tiêu thụ lượng hàng rất lớn".
Ông Vũ Mạnh Hiền - Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Huy Nam chia sẻ: "Tiên phong cho việc thực hiện đầy đủ các thủ tục về truy xuất nguồn gốc hàng hoá, đi vào những sản phẩm có chiều sâu, chế biến để mang lại những giá trị cao hơn".
Ông Quách Tấn Tâm - Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh An Giang nêu ý kiến: "Trước khi vào cảng, bà con báo trước 1 giờ, để nhân viên ở cảng cá sắp xếp cho bà con vào. Căn cứ hồ sơ vào cảng có nhật ký, cảng sẽ cử cán bộ xuống giám sát".
Để duy trì đà xuất siêu, ngành nông sản còn đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Tất cả mặt hàng nông sản phải quan tâm đến vấn đề chế biến sâu".
Ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đưa ra nhận định: "Nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của từng sản phẩm, đi thẳng vào những thị trường khó tính nhất, đồng thời tìm kiếm những thị trường mới để tập trung xuất khẩu, đạt mục tiêu đề ra".
Tiếp tục đa dạng sản phẩm, tăng cường tìm kiếm, chủ động và linh hoạt khai thác hiệu quả các ngách thị trường sẽ giúp thặng dư thương mại của vựa nông sản tăng trưởng bền vững.
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết: "Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua các Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội nghị xuất nhập khẩu có quy mô rộng lớn".
Đến đầu tháng 7 này, xuất khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 18,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất siêu đạt tới 7 tỷ USD.