Đã có bao giờ bạn tự hỏi an toàn thực phẩm là gì mà để cho thực trạng của vấn nạn thực phẩm bẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng như vậy?
An toàn thực phẩm đúng tiêu chuẩn của bộ y tế
Thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) từ lâu đã là mối quan tâm của toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi việc sử dụng thực phẩm không an toàn (thực phẩm bẩn) là mối nguy cơ lớn đến sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đi đến kết luận, thực phẩm không an toàn có thể gây ra những vấn đề rất lâu dài với sức khỏe của người dùng.
WHO ước tính có đến hơn 200 loại bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn. Hàng năm có 600 triệu người (khoảng 1/10 tổng dân số thế giới) bị ốm, 420.000 người bị chết, 33 triệu năm sống khỏe mạnh bị mất, khoảng 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới là do nguyên nhân từ thực phẩm bẩn.
Khái niệm thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) khá rộng và trừu tượng, nên có nhiều quan niệm khác nhau. Theo WHO, thực phẩm đạt mức an toàn không gây hại cho con người, là khi không chứa hoặc chứa hàm lượng ở mức chấp nhận được các chất ô nhiễm hay vi khuẩn mà bình thường có thể gây nhiễm độc, hoặc bất kỳ chất nào khác có thể khiến thực phẩm trở nên có hại cho sức khỏe.
Nói cách khác, thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng do các loại ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm sinh học hay các hình thức ô nhiễm khác gây ra.
Bộ quy tắc của FAO về an toàn thực phẩm hiện nay
WHO định nghĩa, an toàn thực phẩm có nghĩa là bảo đảm thực phẩm sẽ không gây hại cho con người cả trong quá trình chuẩn bị và/hoặc khi đã sử dụng.
Nhằm thống nhất ý chí và hành động của các quốc gia trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, kể từ năm 1962, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã xây dựng nên Bộ quy tắc về thực phẩm và thành lập Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế – cơ quan liên chính phủ với 165 nước thành viên, nhằm xác lập các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn cầu.
Ngay từ thời điểm năm 1994, đã có 146 quốc gia thừa nhận và áp dụng bộ quy tắc về thực phẩm. Các quốc gia này đã cùng nhau xác định 237 tiêu chuẩn về hàng hóa thực phẩm, 41 quy tắc về kỹ thuật và vệ sinh thực phẩm, đánh giá ảnh hưởng của 185 loại thuốc bảo vệ thực vật với an toàn thực phẩm, xác định được 3.274 hạn mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật được phép có trong thực phẩm, đánh giá mức độ an toàn của 760 loại chất phụ gia, 25 loại chất gây ô nhiễm và 54 loại thuốc thú y với thực phẩm.
Thế nào là thực phẩm an toàn?
Có quá nhiều khái niệm về thực phẩm đang cùng bày bán, hiện diện tại các siêu thị khiến nhiều bà nội trợ ‘tẩu hỏa nhập ma’. Trên thực tế, các loại rau sạch, thịt sạch gọi là rau an toàn, thịt an toàn thì chính xác hơn, tạm hiểu là người tiêu dùng sẽ được “an toàn” khi sử dụng các sản phẩm này. Rau, thịt an toàn còn phải được đảm bảo “an toàn” ở khâu chế biến, đóng gói, bảo quản… để thực phẩm không bị biến chất và nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các bộ tiêu chuẩn về trồng trọt an toàn, chăn nuôi an toàn và thủy sản an toàn gọi là VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Bộ tiêu chuẩn này bao gồm nhiều yếu tố như: đất trồng không nhiễm bẩn, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý, giống tốt và cây con khỏe mạnh, sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau…
Phổ biến nhất hiện nay là rau an toàn, nghĩa là loại rau chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau; chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người; ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc); tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch…
An toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong đời sống
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội.
Bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ nâng cao sức khoẻ người dân, tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng.
Đặc biệt, điều kiện bắt buộc đòi hỏi chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là phải có kiến thức về an toàn thực phẩm.