Hiện nay, người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.
Trong những thập kỷ gần đây, xu hướng khởi nghiệp xanh đã trở thành một trong những điểm nổi bật của cộng đồng doanh nhân. Khởi nghiệp xanh không hướng đến tạo ra lợi nhuận, mà còn chú trọng giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, tạo ra những thay đổi tích cực cho tương lai bền vững.
Những chiếc túi lưới hay những tác phẩm nghệ thuật từ gốc tre bỏ đi đều mang đến một thông điệp về bảo vệ môi trường: Cộng đồng đang rất quan tâm đến rác thải. Các hoạt động thu gom rác ở bãi biển, ao hồ, kênh mương thu hút các lứa tuổi khác nhau tham gia. Nhưng con người không thể thực hiện những hoạt động như vậy một cách thường xuyên mà phải có cách xử lý rác đầu nguồn. Rác cũng có giá trị khi được tái chế và sử dụng đúng cách.
Sống xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển. Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Nó xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống cho con người.
Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Điều này cổ vũ cho các ý tưởng khởi nghiệp theo hướng kinh tế xanh.
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các startup của Quảng Nam trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Điều này góp phần định vị giá trị cho nông sản xứ Quảng.
Khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng tăng, thay vì mua sắm lãng phí, khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, môi trường và các câu chuyện nhân văn sau từng sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng trách nhiệm khi chi tiền cho cho các sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường đã tạo động lực để các công ty khởi nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.
Sự hỗ trợ từ người tiêu dùng cũng tạo động lực cho chính phủ và các tổ chức xã hội đề ra các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Khi người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn về sản phẩm xanh, chính quyền có thêm lý do để thúc đẩy các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ cho khởi nghiệp xanh.