VTV.vn - Lễ hội Thành Tuyên đã và đang trở thành hoạt động văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tuyên Quang, là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn.
Lễ hội Thành Tuyên đã và đang trở thành hoạt động văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tuyên Quang; là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn và luôn để lại những cảm xúc đặc biệt cho mọi người dân, du khách, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng khi đến tham quan, trải nghiệm.
Trải qua 20 năm được nhân dân sáng tạo, duy trì và phát triển; với 3 lần được Hội đồng Kỷ lục quốc gia trao bằng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam cho: Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam, Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam, Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam, đến nay, Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn, riêng có của tỉnh Tuyên Quang, được duy trì tổ chức định kỳ vào thời gian từ đầu tháng 7 đến rằm tháng Tám (âm lịch) hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Hòa Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2024, tiếp tục phát huy những giá trị đặc sắc, riêng có, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục duy trì và đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, quy mô cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị truyền thông về Lễ hội ở các thành phố lớn, có tiềm năng để thu hút khách du lịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội… với sự tham gia của gần 800 lượt đại diện cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty du lịch, lữ hành của Việt Nam, quốc tế và những người có ảnh hưởng lớn trên nền tảng mạng xã hội (Facebooker, Youtuber, Titoker…).
Tỉnh đã có những kế hoạch thiết lập và phát huy hiệu quả các trang thông tin điện tử để tuyên truyền, giới thiệu và cung cấp đầy đủ các thông tin, nội dung hoạt động, các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí và các hoạt động văn hóa, thể thao, sản phẩm du lịch đặc sắc trong dịp Lễ hội. Tuyên truyền, vận động mỗi người dân tích cực giới thiệu, lan tỏa những hoạt động ý nghĩa và hình ảnh đẹp đẽ của Lễ hội Thành Tuyên đến với người dân và bạn bè.
Bên cạnh đó là việc thường xuyên đổi mới cách thức tổ chức lễ hội, phát huy sự sáng tạo các mô hình, tổ chức rước diễu trên đường phố ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng, mới lạ, hấp dẫn du khách nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị truyền thống tốt đẹp của Lễ hội Thành Tuyên. Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch bổ trợ đảm bảo phục vụ du khách. Đặc biệt, chú trọng xây dựng hình ảnh con người Thành Tuyên: thân thiện, lịch sự, chân thành và mến khách.
Đối với thành phố Tuyên Quang - trung tâm tổ chức lễ hội, hệ thống lưu trú, ăn uống luôn phát huy hết công suất. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 100 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống; 26 khách sạn, 96 nhà nghỉ, 11 homestay có thể phục vụ gần 7.000 khách lưu trú/ngày. Tuy nhiên để đảm bảo đủ nhu cầu ăn, nghỉ cho du khách, thành phố Tuyên Quang đã tuyên truyền, vận động gần 30 hộ gia đình có đủ điều kiện tích cực tham gia làm dịch vụ lưu trú (cải tạo phòng ở, khuôn viên, công trình vệ sinh,…) để đón, phục vụ du khách, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu chỗ nghỉ trong những ngày diễn ra lễ hội.
Ban tổ chức cũng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hấp dẫn tại các điểm du lịch bên ngoài khu vực trung tâm thành phố để giảm bớt áp lực về ăn nghỉ, lưu trú cho khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang, hoặc tổ chức các hoạt động đặc biệt hấp dẫn tại khu, điểm trên địa bàn các huyện để tránh quá tải về lưu trú.
Với mục tiêu xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và hướng tới quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện, đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và phát triển bền vững.
Lễ hội Thành Tuyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bản quyền nhãn hiệu “Thành Tuyên Festival” để bảo vệ quyền sở hữu; mở rộng phạm vi tổ chức lễ hội ra toàn tỉnh (thành phố là trung tâm chính tổ chức lễ hội); mở rộng quy mô tổ chức gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa khu vực và quốc gia do tỉnh Tuyên Quang đăng cai, mời các địa phương trong nước, nước ngoài tham gia; kéo dài thời gian tổ chức lễ hội và giãn cách giữa các sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội để thu hút khách du lịch; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tại khu vực thành phố, trung tâm các huyện và cơ sở vật chất, hạ tầng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh; ưu tiên, bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của Lễ hội và có các hình thức phù hợp để hỗ trợ, động viên các thôn, tổ dân phố tích cực tham gia, nâng cao chất lượng mô hình của Lễ hội.
Tại các địa phương, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh có phương án tổ chức các hoạt động hấp dẫn trong thời gian diễn ra lễ hội nhằm tạo sân chơi, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến với tỉnh, tạo sự phát triển bền vững.
Do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3 tại Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại địa phương, ngày 11/9 vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị , địa phương dừng việc tổ chức các hoạt động Liên hoan trình diễn di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên 2024
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!