Theo Toral Shah, một bác sĩ dinh dưỡng nổi tiếng, các loại rau họ cải không chỉ bổ dưỡng, rẻ tiền mà còn có tác dụng trong việc chống lại ung thư.
Những loại rau này chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, bao gồm carotenoid như beta-carotene, lutein, zeaxanthin, vitamin C, E, K, folate, khoáng chất và chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe tim mạch, tốt cho mắt và đường ruột.
"Thêm vào đó, chúng còn chứa glucosinolate, hợp chất giàu lưu huỳnh tạo nên mùi và vị đặc trưng, nhưng quan trọng hơn là có liên quan đến việc phòng ngừa ung thư", Toral Shah giải thích.
Các loại cải rất đa dạng, thường có nhiều vào mùa Thu Đông và cũng rất dễ chế biến. Khi bạn thái nhỏ, chế biến, nhai và tiêu hóa rau họ cải, chúng sẽ phân hủy thành các hợp chất hoạt tính sinh học có tác dụng chống ung thư, bao gồm bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA, chống viêm, làm chết tế bào có kiểm soát (apoptosis) và ngăn ngừa khối u di căn bằng cách ức chế sự phát triển của mạch máu (hình thành mạch) và di chuyển tế bào.
Các loại rau họ cải được ví như siêu thực phẩm cho sức khỏe. Ảnh: University Health
Toral tiết lộ rằng đã có rất nhiều nghiên cứu về tác động của việc bổ sung các loại rau họ cải vào chế độ ăn và một số nghiên cứu trên người đã phát hiện ra rằng ăn nhiều rau họ cải có thể làm giảm nguy cơ ung thư - đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt, trực tràng, phổi và vú. Bà gợi ý một số loại rau họ cải để đưa vào chế độ ăn như: cải thìa, cải xoăn, súp lơ xanh, cải xoong, cải thảo, cải xanh, bắp cải - đỏ/xanh/trắng, cải mù tạt - hạt và lá, súp lơ, củ cải, bông cải xanh, rau bồ công anh (cũng có lá xanh đậm)…
Tuy nhiên các loại rau họ cải cũng chứa nhiều oxalat, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận nếu ăn quá nhiều. "Những người có vấn đề sức khỏe liên quan đến thận nên hạn chế tiêu thụ loại rau này", Toral Shah lưu ý./.