VTV.vn - Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 sẽ hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Có thể nói đây là một mục tiêu đầy nhân văn và cấp thiết, bởi nhu cầu thì rất lớn nhưng rất ít dự án được triển khai, nhiều địa phương, doanh nghiêp vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
"2 vợ chồng tôi từ Long An lên đây lập nghiệp, được 4 năm rồi. Hiện tôi đang công tác tại trung tâm y tế, vợ tôi là giáo viên mầm non. Lương của hai vợ chồng tầm khoảng 11-12 triệu/tháng, chi tiền trọ hết 3,5 triệu, tiền học của con khoảng 2 triệu, tổng hết 5 triệu, sinh hoạt, xăng xe, ăn uống khoảng 4 triệu, tiết kiệm thì tháng còn dư từ 2-3 triệu. Với thu nhập hiện tại như vậy thì vợ chồng tôi chấp nhận có thể thuê dài hạn được. Cũng giống như chúng tôi ở trọ tầm 1 tháng 3-5 triệu, vợ chồng tôi cũng ở phòng nhỏ thôi. Nếu mà dự án có phòng nào to hơn chút xíu 3-5 triệu thì chúng tôi cũng chấp nhận thuê dài hạn được", anh Dương Văn Quí - Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
"Hai vợ chồng lên đây làm hơn 10 năm, có 2 đứa con 9 tuổi và 6 tuổi, do hoàn cảnh đơn chiếc nên gửi về bên ngoại hết. Hai vợ chồng đi làm 1 tháng khoảng 20 triệu, tính hết các chi phí ăn uống, nuôi con, phụng dưỡng ông bà khoảng 15 triệu, còn có thể dư 5 triệu. Ở thành phố này nếu có được cái nhà vẫn an tâm đi làm hơn là ở thuê. Nhà cũng vừa vừa thôi, nhưng có gác là được chứ không mong muốn quá to, chỉ cần có chỗ ở là được nhưng nó là của mình. Khả năng thu nhập của tôi, tôi có thể mua được nhà ở dưới 800 triệu, trả trước 30-40%, mong được nhà nước hỗ trợ cho vay thêm 300-400 triệu nữa thì hàng tháng trả góp khoảng 5-6 triệu trong khoảng tiết kiệm của mình", chị Nguyễn Ngọc Hân - Khu lưu trú công nhân, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Cần nhiều nguồn lực phát triển nhà ở cho người lao động
Ảnh: Báo Đầu tư
Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở của người lao động là nhu cầu bức thiết, với đa dạng loại hình từ cho thuê, thuê mua đến mua sở hữu lâu dài.
Theo khảo sát gần nhất của Ban kinh tế tư nhân - Ban 4, tỉ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội chiếm con số khoảng 28-30% trong tổng lực lượng lao động ở một số thành phố lớn. Nhu cầu cao nhưng việc tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.
Thống kê từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh, hiện thu nhập trung bình của công nhân lành nghề là từ 12-13 triệu trở lên, còn đối với công nhân phổ thông mới vào làm thì đảm bảo ở mức ít nhất 6 triệu/tháng. Nhu cầu thuê trọ cho các cá nhân là không dưới 1 triệu, với các hộ gia đình tầm 3 triệu, chưa kể các chi phí sinh hoạt, con cái học hành.
"Hiện giờ bên Cholimex Food thuê được 100 căn nhà ở trong khu lưu trú cho công nhân, giải quyết được đâu có cho 200 công nhân, như vậy đâu đó chỉ mới có 5% trong tổng số người lao động của công ty, ngoài ra thì hầu hết ở các khu nhà trọ. Đây là một bài toán cũng hết sức phức tạp để mình thấy cần có nhiều nguồn lực xã hội cùng tạo ra một nguồn nhà ở cho lực lượng công nhân", ông Diệp Nam Hải - Tổng giám đốc Cholimex Food, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Theo khảo sát chuyên đề về nhà ở xã hội của Ban kinh tế tư nhân, có đến 57% người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua các nhà ở xã hội, nhà ở thuộc diện thương mại, và trong đó có gần 1 nửa số lượng người lao động trong nhóm này là cần nhà ở xã hội.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: "Chúng tôi cũng có trao đổi một cách chuyên sâu với các doanh nghiệp có số đông người lao động ở các tỉnh thành phố lớn thì nhu cầu liên quan đến chỗ ăn ở, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid vừa rồi có những diễn biến rất phức tạp thì càng tăng lên hơn bao giờ hết".
Ông Diệp Nam Hải - Tổng giám đốc Cholimex Food, KCN Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh thông tin: "Trên thực tế khi mà lượng công nhân họ biến động từ khu công nghiệp này sang khu công nghiệp khác, từ nhà máy này sang nhà máy khác thì nhà ở cũng là một trong những yếu tố tác động. Tôi thấy cái này nó mang tính chất vĩ mô, còn bản thân các khu công nghiệp và doanh nghiệp không đủ sức".
Nói chung là "an cư mới lạc nghiệp" hai vợ chồng muốn có cái nhà nhỏ cũng được để yên tâm đi làm. Có nhà rồi thì rước con lên đây học cho gần cha, gần mẹ, chứ không mong ước gì cao sang, chị Nguyễn Ngọc Hân - Khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Hành trình "an cư lạc nghiệp" của mỗi người dân lao động thu nhập thấp, công nhân sẽ còn rất nhiều khó khăn nếu như không có sự đồng hành của chính sách, của các địa phương, của từng thành phần kinh tế trong xã hội. Trong cuộc họp toàn quốc mới đây về Nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã nhấn mạnh tinh thần "Đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!