Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, làm ảnh hưởng tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và nền kinh tế thương mại điện tử nói chung.
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 và dự báo 2024, do Metric - một nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử dành cho Doanh nghiệp công bố. Đã có 2,2 tỉ sản phẩm được giao dịch thành công trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo trong năm ngoái, đem lại tổng doanh thu 232.200 tỉ đồng, tăng hơn 53% so với năm trước đó.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng ghi nhận thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Sự phát triển của thương mại điện tử được các chuyên gia đánh giá là nhanh, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế thương mại điện tử nói chung.
Thực tế hiện nay, bên cạnh các mặt hàng phổ biến như quần áo, đồ tiêu dùng... những sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe như: thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm cho bà bầu, em bé... cũng được bày bán tràn lan qua các kênh livestream và các sàn thương mại điện tử. Việc mua phải hàng giả, hàng nhái đối với các mặt hàng này sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có tâm lý lên sàn thương mại điện tử chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng chất lượng, nguồn gốc...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tấn công mạnh vào những đường dây, ổ nhóm, tụ điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Đối tượng kinh doanh thường sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như cất giấu hàng khi có mặt cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.