VTV.vn - Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Điện tử Thông tin Nhật Bản đã phát triển thành công "robot ăn được" đầu tiên trên thế giới, mở ra tiềm năng cho trải nghiệm ẩm thực mới.
Một chiếc kẹo dẻo hình chữ nhật màu vàng đục, dài khoảng 7 cm, lắc lư từ bên này sang bên kia, vẫy cánh tay bằng gelatine khi chào thân thiện. Toàn bộ phần thân của chiếc kẹo nằm trong 1 chiếc cốc. Đặc biệt chiếc kẹo còn có thể nói: "Xin chào. Tôi mong muốn được nói chuyện với bạn hôm nay".
Nhờ sự phát triển của đội ngũ nghiên cứu, dưới sự dẫn dắt của Phó Giáo sư ngành robot Yoshihiro Nakata thuộc Đại học Điện tử viễn thông của Nhật Bản, đây không còn là chiếc kẹo dẻo hương táo thông thường mà còn là "robot ăn được" đầu tiên trên thế giới.
Phần ăn được của robot chỉ là chiếc kẹo dẻo mềm, nhưng phần đế của của kẹo được tích hợp công nghệ robot giúp tạo ra chuyển động như thật. Với đôi mắt đen tuyền nhỏ xíu, phần thân ăn được của robot được gắn vào một bu lông kim loại không gỉ đặt bên trong một chiếc cốc in 3D. Các khoang bên trong kẹo dẻo chứa đầy không khí và kết nối với một ống khí nén ở đế của thiết bị để tạo chuyển động. Âm thanh phát ra từ loa được kết nối với thiết bị, càng tăng thêm sự sinh động cho robot.
Phó Giáo sư Nakata chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp robot ăn được như một trải nghiệm ẩm thực mới". Ông cho biết ý tưởng này được lấy cảm hứng từ Anpanman, nhân vật truyện tranh siêu anh hùng nổi tiếng của Nhật Bản, có hình dạng bánh nhân đậu đỏ. Bên cạnh đó, chiếc kẹo robot này còn được lấy cảm hứng từ phong tục ẩm thực truyền thống "odorigui" của Nhật Bản, ăn hải sản vẫn còn sống và cử động.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm để phân tích nhận thức của những người tham gia khi thưởng thực "robot ăn được". Kết quả cho thấy, khi robot chuyển động, người tham gia cảm nhận được kết cấu dai và hơi cứng hơn so với khi robot đứng yên. Ngoài ra, họ còn có những cảm nhận về độ tươi ngon, sự sống, thậm chí là cảm giác tội lỗi khi ăn robot.
Phó Giáo sư Nakata cho rằng, những khác biệt này có thể do cách mọi người tương tác với thức ăn, từ đó tạo ra những thay đổi trong vị giác và kết cấu, dẫn đến các hiệu ứng tâm lý và nhận thức khác nhau.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa robot và cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Nakata tin tưởng robot ăn được có thể được ứng dụng nhiều trong tương lai, chẳng hạn như giúp mọi người ăn những món họ không thích hoặc sử dụng trong y học để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân có vấn đề về ăn uống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!