VTV.vn - Không chỉ có cánh đồng lúa với những cây dầu thẳng tắp, Tà Lài còn có nhiều nét văn hóa độc đáo của hai dân tộc Châu Mạ và S'tiêng đang cần được phát huy để làm du lịch.
Tà Lài là một xã vùng sâu của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên. Nơi đây có nghề dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống. Thế nhưng, với thế hệ đang dần già đi, Tà Lài đặt ra thách thức thôi thúc những người trẻ phải vươn lên bảo tồn văn hóa của cha ông mình.
Tôi đạp xe tới làng qua con đường rừng xanh mát và bí ẩn xuyên Vườn quốc gia Cát Tiên. Nơi đây vốn nổi tiếng với điểm nhấn là hàng trăm cây dầu mọc xen kẽ giữa cánh đồng, tạo nên cảnh sắc ấn tượng. Khi lúa chín thì bát ngát sắc vàng, khi lúa xanh thì mơn mởn sức sống. Kể cả những khi lúa vừa gặt xong cũng tạo ra các ô vuông thửa ruộng đầy sức hút. Nhiều du khách gọi nơi này là “cánh đồng châu Âu”.
Cánh đồng Tà Lài với vẻ đẹp ấn tượng, cuốn hút. (Ảnh: Blog của Rọt)
Du khách check in mùa lúa chín. (Ảnh: Blog của Rọt)
Tà Lài là nơi sinh sống của bà con đồng bào dân tộc Châu Mạ và S'tiêng. Được bạn bè giới thiệu, tôi ghé thăm nhà chị Ká Tuyền, sinh năm 1993, người làng thường trìu mến gọi chị là Ká. Chị Ká có làn da ngăm, nụ cười tươi và nét đẹp truyền thống vì mang hai dòng máu Châu Mạ và S’tiêng. Một người phụ nữ dân tộc thiểu số vốn không rành tiếng Kinh, cũng chẳng được học hành tử tế, nhưng chị đã trải qua chặng đường vất vả để có tư duy tiến bộ như ngày hôm nay. Chị Ká chia sẻ: “Năm ngoái, cụ ông K’Sơ đã 70 tuổi phải vào rừng để kiếm ăn vì nhà rất nghèo, không may bị lạc và mất mạng. Điều đó đã thôi thúc tôi phải làm gì đó giúp đồng bào của mình, đặc biệt là những người lớn tuổi”.
Chị Ká trăn trở với những chiếc gùi có thể là cuối cùng mà các ông bà làm được vì đã tuổi cao sức yếu.
Ká Tuyền vốn là hướng dẫn viên du lịch của VQG Cát Tiên. Thấy chị đi làm có thu nhập, người làng thường bảo, nếu có du khách nào muốn vào làng chơi, Ká nhớ cho các chú, các cậu làm hướng dẫn. Bởi họ không muốn vì nghèo khổ mà phải đi rừng, lạc trong rừng, rồi chết trong rừng như ông K' Sơ. Những câu nói ấy khiến chị trăn trở và rồi quyết định nghỉ việc, trở về làng để giúp đỡ cộng đồng của mình được nhiều hơn, đồng thời khi có khách cần hướng dẫn, chị vẫn nhận việc để có tiền trang trải cuộc sống.
Phụ nữ Tà Lài với nghề dệt truyền thống.
Chị Ká Tuyền mong muốn con gái được lớn lên cùng bản sắc văn hóa.
Mỗi khi nhắc đến những người già trong làng, chị Ká Tuyền lại xúc động. Chị sợ nghề truyền thống và nét văn hóa bản địa sẽ mất đi theo những người già. Và rồi nghề sẽ mai một, lớp trẻ lớn lên muốn khôi phục cũng khó vì không biết tìm ai để học hỏi. Nếu không thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì đời đời người dân vẫn sẽ nghèo khổ trên chính di sản của mình. Vì vậy, Ká Tuyền đã quyết định thành lập dự án du lịch mang tên Tà Lài Eco Lodge nhằm phát triển kinh tế du lịch từ nghề truyền thống của địa phương, tạo một nguồn sống mới cho người cao tuổi. Tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai tháng 8 vừa qua, dự án du lịch cộng đồng của chị Ká Tuyền đã xuất sắc giành giải Nhì.
Đến với Tà Lài, du khách có thể lưu trú, ăn uống, trekking, đạp xe khám phá rừng, trải nghiệm văn hóa bản địa hay đến tham quan vườn ca cao để thưởng thức ca cao tại vườn. Mọi người có thể mua những chiếc vòng đeo tay, túi xách, khăn được dệt thổ cẩm để ủng hộ cải thiện đời sống của người địa phương.
Ra mắt Tổ Du lịch cộng đồng Tà Lài.
Chị Ká Tuyền chia sẻ: “Trước đây làng rất vắng vẻ nhưng bây giờ có khách du lịch, người dân rất vui, họ được kể những câu chuyện mà từ lâu không được nói. Đặc biệt, từng có đoàn 17 học sinh ở TP. Hồ Chí Minh về Tà Lài trải nghiệm 5 ngày 4 đêm. Các bạn nam thì học đan gùi, các bạn nữ học dệt thổ cẩm, nhuộm vải rồi mang về chiếc khăn mình tự tay làm. Các ông bà có 5 ngày được làm giáo viên, tự hào khoe với mọi người: Tôi đi làm thầy giáo đó”.
Học sinh trải nghiệm công việc nhuộm vải và đan lát truyền thống.
Du khách nước ngoài thích thú với những sản phẩm thủ công ở Tà Lài.
Để nâng cao trình độ và làm du lịch bền vững, chị Ká Tuyền đang học thêm chuyên ngành Quản lý tài nguyên môi trường rừng của Đại học Lâm Nghiệp (Trảng Bom, Đồng Nai). Tà Lài trong tương lai sẽ rộn ràng và nhộn nhịp đón khách du lịch hơn nếu có những người con như chị Ká, yêu quê hương và tha thiết với đồng bào.
Ước mơ về một tương lai người già không phải mưu sinh trong rừng, phụ nữ có con nhỏ sẽ có thêm thu nhập bằng nghề dệt, và người trẻ có thể quay về quê hương làm du lịch thay vì đi làm công nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!