Sau thời gian dài nhường ngôi cho sầu riêng, thanh long đã có màn trở lại ngoạn mục trong những tháng đầu năm 2025. Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 94 triệu USD, loại quả từng là niềm tự hào của ngành rau quả Việt Nam đã bất ngờ vươn lên vị trí dẫn đầu, chính thức lấy lại “ngôi vương” trong ngành hàng trái cây xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu trái cây đầu năm nay chứng kiến sự thay đổi lớn về cơ cấu mặt hàng chủ lực. Nếu như năm 2024, sầu riêng thống trị với doanh thu 3,21 tỷ USD, thì sang năm nay, mặt hàng này bất ngờ giảm mạnh, tụt xuống vị trí thứ ba.
Cụ thể, trong tháng 2, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 21,4 triệu USD – giảm đến 69% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt mức tương đương, chiếm vỏn vẹn 7,6% thị phần ngành rau quả. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ 95% lượng sầu riêng Việt – kim ngạch sụt giảm đến 83%, chỉ còn 27 triệu USD. Nguyên nhân chính là do nước này áp dụng quy định mới, yêu cầu phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận, khiến quy trình xuất khẩu bị kéo dài và phức tạp.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng siết chặt kiểm soát với sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra từ 10% lên 20% do nhiều vi phạm liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngược lại, thanh long và chuối nổi lên là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tháng 2, xuất khẩu thanh long đạt 35 triệu USD; lũy kế 2 tháng đạt 93,8 triệu USD, chiếm 14,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả – cao nhất trong toàn ngành. Chuối cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, đạt 40,8 triệu USD trong tháng 2 và 71,5 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, chiếm hơn 10% thị phần.
Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sau giai đoạn trầm lắng, xuất khẩu thanh long đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Hiện giá thanh long ruột trắng loại I tại vựa đạt mức 30.000–35.000 đồng/kg, mức giá tốt so với nhiều năm gần đây.
Thanh long từng là loại trái cây xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam, với kỷ lục gần 1,3 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, sau đó giá trị xuất khẩu giảm dần và tụt khỏi mốc 1 tỷ USD vào năm 2022. Việc xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản từng giúp thanh long phục hồi phần nào, nhưng khi sầu riêng bùng nổ, vị thế của loại trái cây này dần bị lu mờ.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường cho thanh long. Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhằm thúc đẩy việc chấp thuận phương pháp xử lý hơi nước nóng cho thanh long. Nếu được thông qua, phương pháp này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu và gia tăng sản lượng vào thị trường Mỹ – nơi hiện tiêu thụ gần 10% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam.