Hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng vọt, khiến nhiều người tiêu dùng phải đặt ra câu hỏi cho vấn đề này. Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi ấy là do những thói quen gây tốn điện và phí phạm điện nhưng ít được lưu tâm.
Tiền điện là một trong những khoản chi khiến những người "tay hòm chìa khóa" dễ nhăn nhó nhất. Vào mùa hè, hóa đơn luôn tăng vọt bởi năng lượng tiêu thụ quá cao cộng với giá điện lũy tiến. Thế nhưng, bạn lẽ ra có thể tiết kiệm được kha khá ở khoản này nếu giảm được sự lãng phí khi sử dụng, từ bỏ những thói quen gây tốn điện mà rất nhiều người mắc nhưng không hề để ý.
Bạn hãy tự "kiểm điểm" lại xem bạn có những thói quen sau không để có thể điều chỉnh kịp thời nhé.
Quên tắt đèn và điều hòa
Bật điều hòa cả ngày kể cả khi không ở trong phòng là thói quen gây tốn điện phổ biến. (Ảnh minh hoạ)
Quên tắt các thiết bị điện trong nhà là lỗi hay gặp nhất ở số đông mọi người, có thể do vội vàng hay do thói quen. Nếu ở nhà, nhiều người cứ để máy điều hòa chạy cả ngày để không phải chờ phòng mát trở lại, dù bạn rời phòng trong thời gian khá dài; cũng không tắt đèn trong phòng ngủ mỗi khi đi đâu đó.
Đừng nghĩ lượng điện lãng phí ấy không đáng gì, vì nếu mỗi ngày bạn chỉ lãng phí một tiếng thì thời gian tiêu thụ điện vô ích của gia đình bạn mỗi tháng là 20 tiếng.
Luôn cắm phích các thiết bị
Nhiều người không biết rằng ngay cả khi không sử dụng, thậm chí đang bị tắt, nhiều thiết bị vẫn tiếp tục tiêu hao năng lượng, chẳng hạn như máy tính để bàn, bộ định tuyến wi-fi và tivi. Nhiều thiết bị như bộ sạc điện thoại, máy tính, lò vi sóng, quạt máy,... sẽ sử dụng nguồn điện ở chế độ chờ. Cho dù bạn đã tắt chúng nhưng vẫn giữ phích cắm trong ổ điện thì chúng vẫn tiêu hao năng lượng. Chúng sẽ "hút" điện rất nhiều và làm hóa đơn tăng cao nếu bạn vẫn để phích cắm trong ổ điện.
Để hạn chế được tiêu hao năng lượng, bạn nên rút phích cắm của các thiết bị điện tử ra khỏi ổ điện khi không sử dụng. Để tiện lợi hơn, bạn có thể cắm những thiết bị này vào một ổ điện chung để có thể cùng lúc tắt chúng từ xa bằng một lần rút phích.
Tuy nhiên, không nên rút phích cắm bếp điện ngay sau khi sử dụng mà nên đợi bếp nguội khoảng 30 phút.
Cho thức ăn nóng vào tủ lạnh hoặc để cửa tủ lạnh mở
Có một vấn đề mà một số người nghĩ là vô hại và không gây vấn đề gì cho tủ lạnh, đó là bỏ thức ăn nóng vào.
Để có thể kéo dài tuổi thọ cho "người bạn" gia dụng này và giúp tiết kiệm điện, bạn phải để thức ăn nóng thành nguội rồi mới cho vào tủ lạnh.
Lý do cho điều này là vì để trực tiếp đồ nóng vào tủ lạnh sẽ dẫn đến hiện tượng ngưng tụ hơi nước, khiến thiết bị không được làm mát đúng cách. Điều đó sẽ khiến tủ lạnh phải hoạt động hết công suất để làm mát tủ trở lại, gây tốn rất nhiều điện và khiến cho tủ lạnh sẽ nhanh bị hỏng hơn.
Ngoài ra, để cửa tủ lạnh mở quá lâu cũng là một trong những lý do khiến tủ lạnh ngốn nhiều điện hơn. Lưu ý thêm ở các miếng đệm cửa tủ xem tình trạng đóng có kín không. Nếu miếng đệm bị hở thì phải sửa chữa ngay nếu không muốn phải bỏ thêm tiền điện.
Giữ nhiều đồ ăn thừa trong tủ lạnh
Đây là thói quen gây tốn điện cực kỳ phổ biến. Vì rất nhiều người sợ lãng phí đồ ăn, lãng phí công nấu nướng nên có gì thừa là cho hết vào tủ lạnh và bữa sau đó lại tiếp tục chất đồ vào mà không tiêu thụ bớt. Việc làm này đang khiến bạn lãng phí gấp đôi vì cuối cùng vẫn phải đổ bỏ thực phẩm lâu ngày không đụng đến đi mà cũng vừa tốn tiền điện.
Không vệ sinh bộ lọc điều hòa
Hãy vệ sinh bộ lọc điều hoà để tránh nhiều vấn đề về sức khoẻ và đặc biệt là có thể tiết kiệm tiền điện (Ảnh minh hoạ)
Nếu bạn không định kỳ vệ sinh bộ lọc của máy điều hòa, bụi, nấm mốc, các chất ô nhiễm sẽ tích tụ, lâu ngày không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây tốn điện. Máy điều hòa nhà bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn để đẩy không khí lạnh đi qua màng lọc bị chất bẩn bịt kín. Vì thế, hãy nhớ kiểm tra các bộ lọc mỗi tháng một lần, làm sạch hoặc thay thế chúng nếu cần.