VTV.vn - Những tiện ích trên Internet phần lớn được xây dựng bởi công nghệ nguồn mở. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn mở và tầm quan trọng của nó trong kỷ nguyên AI.
Đi cùng với sự phát triển, công nghệ nguồn mở đóng vai trò như một chất xúc tác, giúp thúc đẩy quá trình đổi mới và mang tới những đột phá nhờ sự tham gia và hợp tác của cộng đồng trên toàn cầu. Thông qua mã nguồn mở, người dùng từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể cùng đóng góp, xây dựng để tạo nên những giá trị mới, lợi ích mới.
Dù không phải là khái niệm quá xa lạ nhưng nguồn mở vẫn còn khá mơ hồ đối với nhiều người. Hiểu một cách đơn giản, nguồn mở (Open Source) là mô hình sản xuất phi tập trung, được thiết kế truy cập công khai để mọi cá nhân đều có thể sửa đổi và chia sẻ công nghệ.
Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ và đạt được những tiến bộ vượt bậc, để giúp các doanh nghiệp và cộng đồng yêu công nghệ bắt nhịp với những xu hướng mới, Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ thông tin và mã nguồn mở châu Á - FOSSASIA Summit 2024 đã được tổ chức tại Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ ngày 8 - 10/4 với sự tham gia của hơn 2.000 người, bao gồm sinh viên, lập trình viên, các công ty công nghệ toàn cầu và nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nguồn mở.
FOSSASIA Summit 2024 thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, lập trình viên, các công ty công nghệ và chuyên gia hàng đầu
Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối quan trọng, góp phần giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận với những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, giúp lập trình viên Việt Nam nâng cao chuyên môn, kiến thức và tay nghề để cạnh tranh cùng bạn bè quốc tế.
Tại hội nghị, các diễn giả đã mang tới những bài thuyết trình chuyên sâu, xoay quanh các chủ đề công nghệ hấp dẫn nhất hiện nay. Trong số đó, ông Alexandre Zapolsky - Người sáng lập và Chủ tịch của Linagora đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự (True Open Source AI) và những thách thức trong việc xây dựng phương thức kỹ thuật số này.
Nguồn mở là trung tâm của sự hình thành Internet
Chia sẻ với Thời báo VTV, ông Alexandre Zapolsky cho rằng: "Nguồn mở là nền tảng của Internet. Không có Internet nếu không có nguồn mở".
Ông Alexandre Zapolsky - Người sáng lập và Chủ tịch của Linagora
Theo Chủ tịch Linagora, nguồn mở là cơ bản, là khả năng cho mọi người tự do sử dụng các giải pháp do người khác phát triển, có thể phổ biến những đổi mới này. Bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi và sử dụng. Và vì vậy, khái niệm về phần mềm tự do, phần mềm nguồn mở là trung tâm của sự hình thành Internet.
“Ngày nay, khi bạn là một nhà phát triển phần mềm hay một sinh viên đam mê lập trình, bạn muốn tạo ra một giải pháp kỹ thuật số mới, điều đầu tiên bạn làm là tìm xem liệu có gì trên Internet không. Nếu tìm thấy ở nguồn mở, bạn sẽ bắt đầu sử dụng chúng và phát triển các giá trị gia tăng. Và vì thế, nguồn mở là một quá trình đổi mới liên tục. Trên hết, nó cho phép những người mới tham gia tìm được chỗ đứng trên thị trường và từ đó, mọi người thực sự có thể đóng góp cho sự đổi mới của toàn cầu”.
Người sáng lập và Chủ tịch của Linagora
Vì sao nên phát triển và phổ biến công nghệ mở?
Có rất nhiều lý do khiến các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn nguồn mở thay vì các phần mềm độc quyền. Điển hình như việc mã nguồn mở có thể được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp hoặc cộng đồng. Không có hạn chế về cách bạn sử dụng mã nguồn và hỗ trợ từ cộng đồng để đảm bảo việc triển khai hiệu quả các ý tưởng mới.
Mã nguồn mở cũng cho phép người dùng kiểm tra và theo dõi di chuyển dữ liệu và các thay đổi trong mã nguồn một cách độc lập, giảm sự phụ thuộc vào cam kết từ nhà cung cấp.
Ngược lại với mã nguồn độc quyền do một tác giả hoặc công ty duy nhất kiểm soát, mã nguồn mở được cập nhật và vá lỗi thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng, tồn tại lâu dài hơn so với người tạo ra ban đầu.
Mã nguồn trong mã nguồn mở có chi phí rẻ hơn so với các phương án độc quyền. Những gì người dùng phải trả cho nhà phát triển khi sử dụng là chi phí hỗ trợ, tăng cường bảo mật và quản lý khả năng tương tác.
Người dùng có tự do sử dụng mã nguồn mã nguồn mở ở bất kỳ đâu, cho bất kỳ mục đích nào, bất cứ khi nào. Sự tồn tại của các cộng đồng mã nguồn mở tích cực, có nghĩa là bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, tài nguyên và quan điểm trải rộng hơn ngoài phạm vi một nhóm quan tâm hoặc một công ty.
Ông Alexandre Zapolsky cho rằng mã nguồn mở là một trong những cách để thu hút các nhà phát triển giỏi nhất trên toàn cầu
"Mã nguồn mở là một trong những cách để thu hút các nhà phát triển giỏi nhất. Họ muốn làm việc trong lĩnh vực nguồn mở, họ muốn công việc của mình hữu ích, họ muốn đóng góp để làm cho xã hội tốt đẹp hơn và do đó, những người tham gia phần mềm tự do là những người góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn" - Chủ tịch Linagora nhận định.
“Ưu điểm của nguồn mở là khi bạn phát triển nó, bạn luôn phát triển từ những viên gạch đã tồn tại và đã có sẵn. Và vì vậy, về cơ bản, bạn không cần phải phát minh ra mọi thứ. Bạn thực sự đang tiếp quản công việc do người khác khởi xướng. Bạn bổ sung cho nó và bạn thêm vào phần giá trị gia tăng của mình. Đây là điều được thực hiện bởi rất nhiều các nhà phát triển trên toàn thế giới. Họ đóng góp vào việc phát triển phần mềm tự do, điều này cho phép chúng ta có một lực lượng tập thể ấn tượng có khả năng cạnh tranh với những công ty toàn cầu lớn nhất và như vậy, sự đổi mới đến từ các cộng đồng phần mềm tự do. Hơn nữa, những người làm việc cùng nhau này chính là những gì chúng tôi gọi là cộng đồng phần mềm tự do. Đó thực sự là một trong những điểm mạnh của phần mềm tự do, sức mạnh của việc cùng làm, cùng sáng tạo và đổi mới rất riêng của phần mềm tự do”.
Chia sẻ mã nguồn chính là cách hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo của cộng đồng. Phần mềm mã nguồn mở, được phát triển thông qua đánh giá từ đồng nghiệp và sản xuất của cộng đồng, có thể trở thành những chương trình linh hoạt và thích ứng hơn.
Sự cần thiết của trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự
Tại FOSSASIA Summit 2024, Chủ tịch Linagora đã trích dẫn kết quả nghiên cứu về tình trạng ngôn ngữ trên thế giới năm 2023, theo đó, trong số 7.168 ngôn ngữ đang được sử dụng trên toàn cầu hiện nay, 43% đang có nguy cơ bị đe dọa. Trên thực tế, cứ 40 ngày lại có một ngôn ngữ biến mất.
43% ngôn ngữ trên thế giới đang có nguy cơ bị đe dọa (Nguồn: Derivation.co)
Phần lớn các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy trong các cộng đồng bản địa, có nguy cơ bị mất đi văn hóa và kiến thức mà chúng chứa đựng. Với tốc độ hiện tại, 90% ngôn ngữ trên thế giới có thể biến mất trong 100 năm tới. Ngày nay, hơn 88 triệu người đang nói các ngôn ngữ có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo ông Alexandre Zapolsky, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) chỉ đưa ra một câu trả lời cho một câu hỏi. Trong khi đó, sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa xứng đáng được được bảo vệ như một di sản chung của nhân loại.
"Chúng ta cần Gen AI hỗ trợ trực tuyến cho các ngôn ngữ và văn hóa đa dạng bằng cách cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở đích thực, các bộ dữ liệu (dataset) và tài nguyên của tất cả các ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của những cộng đồng thiểu số" - Chủ tịch Linagora nhấn mạnh.
GenAI có thể tạo cơ hội cho sự phát triển toàn diện hơn công nghệ truyền thông và giao diện. Ông Alexandre Zapolsky cho rằng, chúng ta phải phát các mô hình đa ngôn ngữ và nhỏ gọn, có thể chạy trên cả những chiếc máy tính và điện thoại thông minh đời cũ.
'Mục tiêu của chúng ta là giảm bớt rào cản đối với công nghệ, thông tin liên lạc và dịch vụ công cộng, đồng thời bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ và bảo vệ các nền văn hóa có nguy cơ bị tuyệt chủng”.
Ông Alexandre Zapolsky - Người sáng lập và Chủ tịch của Linagora
Ông cũng cho biết, cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn nhờ sự đóng góp của trí tuệ nhân tạo. Và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của hiện tượng này. Nguồn mở là một trí tuệ nhân tạo với mô hình được sử dụng tự do mà không bị hạn chế.
"Cần phải có niềm tin vào trí tuệ nhân tạo vì trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng hiện diện ở khắp mọi nơi" - Chủ tịch Linagora khẳng định.
“Chúng ta cần trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự” - ông Alexandre Zapolsky nhấn mạnh
Ông cho rằng, chúng ta cần hiểu trí tuệ nhân tạo được tạo ra như thế nào và từ dữ liệu nào, từ đó thúc đẩy phát triển nguồn mở, đặc biệt là nguồn mở thực sự (True Open Source), hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự (True Open Source AI).
"Thế giới cần trí tuệ nhân tạo tạo sinh đáng tin cậy, được kiểm soát và minh bạch!"
Tuy nhiên, theo ông, phần lớn các trí tuệ nhân tạo nguồn mở hiện nay không phải là trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự. Chủ tịch Linagora cho rằng, trí tuệ nhân tạo nguồn mở thực sự cần phải đảm bảo 3 yếu tố: Mô hình nguồn mở (Open Source Model), Phương pháp mã nguồn mở (Open Source Method) và Kho dữ liệu mã nguồn mở (Open Source Corpus).
Các mô hình được gắn nhãn "nguồn mở", chẳng hạn như dưới dạng LLAMA hoặc LLM như ChatGPT, không đưa ra những đảm bảo này. Ngoài ra, quá trình học hỏi và dữ liệu (những vấn đề về thành kiến và sở thích) vẫn chưa được biết. Cuối cùng, những mô hình này được đào tạo 90% bằng tiếng Anh, một phần với các ngôn ngữ châu Âu và tiếng Arab.
Kiên định bảo vệ đạo đức kỹ thuật số với "Con đường kỹ thuật số thứ ba"
Ông Alexandre Zapolsky đã thành lập Linagora vào năm 2000, khi ông vẫn còn là sinh viên tại Viện Viễn thông quốc gia Pháp. Là một doanh nhân có tầm nhìn xa, ông đã bảo vệ ý tưởng về "Con đường kỹ thuật số thứ ba" trong hơn 2 thập kỷ, một con đường tôn trọng quyền của người dùng, có tính đạo đức, toàn diện và bền vững và đồng thời có khả năng cung cấp một sự lựa chọn thay thế cho các gã khổng lồ kỹ thuật số của Mỹ (GAFAM - Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) và Trung Quốc (BATX - Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi).
“Đây là những gì tôi gọi là đa dạng sinh học trong kỹ thuật số. Điều này đang bắt đầu trên khắp thế giới, mọi người hiểu rằng, trên hết, chúng ta không nên phụ thuộc vào một hoặc vào một số phần mềm. Không nên rơi vào tình trạng độc quyền hoặc độc quyền nhóm và quan trọng là phải có nhiều sự lựa chọn đa dạng. Giống như trong tự nhiên, đa dạng sinh học là cần thiết trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đa dạng sinh học kỹ thuật số là hoàn toàn thiết yếu”.
Ông Alexandre Zapolsky
Chủ tịch Linagora cho rằng, hầu hết các quốc gia đều quan tâm đến việc phát triển một công nghệ kỹ thuật số thay thế, dựa trên phần mềm tự do và phát triển chủ quyền kỹ thuật số của riêng minh.
"Đây là những gì tôi gọi là đa dạng sinh học trong kỹ thuật số. Điều này đang bắt đầu trên khắp thế giới, mọi người hiểu rằng, trên hết, chúng ta không nên phụ thuộc vào một hoặc vào một số phần mềm. Không nên rơi vào tình trạng độc quyền hoặc độc quyền nhóm và quan trọng là phải có nhiều sự lựa chọn đa dạng. Giống như trong tự nhiên, đa dạng sinh học là cần thiết trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đa dạng sinh học kỹ thuật số là hoàn toàn thiết yếu".
Ngay khi thành lập, Linagora hướng tới mục tiêu sáng tạo, phát triển, triển khai và duy trì các công nghệ mã nguồn mở nhằm bảo vệ sự độc lập kỹ thuật của khách hàng và chủ quyền số của các quốc gia. Công ty đã sáng tạo Twake Workplace như là một giải pháp 100 % tự do thay thế cho các sản phẩm của những ông lớn công nghệ như Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft. Bên cạnh đó, Linagora còn phát triển LinShare, một giải pháp an toàn để chia sẻ các tệp dữ liệu lớn.
Không gian làm việc tại Linagora
Trong gần 10 năm qua, Linagora cũng đã nghiên cứu về lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP (Natural Language Process) và phát triển các thuật toán phiên âm và mô hình ngôn ngữ độc đáo riêng của mình. Các công nghệ này được tích hợp vào LinTO, một nền tảng đàm thoại thông minh mã nguồn mở, cho phép ghi lại các cuộc họp, phiên âm và chỉnh sửa chúng ở chế độ cộng tác để sắp xếp chúng và có thể tận dụng chúng nhờ trí tuệ nhân tạo.
Đối mặt với "làn sóng thủy triều" OpenAI và sự biến động trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, Michel-Marie Maudet, đồng sáng lập Linagora, đã khởi xướng ra mắt cộng đồng OpenLLM France với mục đích phát triển mô hình ngôn ngữ Giga, hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), có chủ quyền và nguồn mở. Cộng đồng này cho đến nay là một trong những cộng đồng toàn cầu lớn nhất với hơn 500 nhà nghiên cứu công và tư tập trung xung quanh cùng một mục tiêu: tạo ra một AI có chủ quyền đa phương thức thực sự nguồn mở.
Vẫn còn nhiều thách thức trên con đường phát triển công nghệ mở
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm, các phần mềm tự do cũng có một số hạn chế. Theo ông Alexandre Zapolsky, một trong những điểm hạn chế rất riêng của phần mềm tự do đó là ban đầu, nó dựa vào sự đóng góp của các cá nhân, các nhóm người dùng và lập trình viên.
Dù ngày càng có nhiều các công ty như Linagora chuyên về phần mềm tự do nhưng chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, do đó không có được có lực lượng hùng hậu như những gã khổng lồ phần mềm toàn cầu, những ông lớn công nghệ nổi tiếng. Và vì vậy, những công ty này chắc chắn sẽ khó được biết đến và được công nhận hơn.
"Chúng tôi nghĩ về điểm yếu về mặt truyền thông và tiếp thị bởi thực tế là chúng tôi làm việc rất nhiều bằng truyền miệng. Khi mọi người thực sự thích một giải pháp, họ sẽ nói cho người khác biết. Điều này cho phép chúng tôi giảm chi phí tiếp thị các giải pháp của mình" - ông Alexandre Zapolsky chia sẻ.
Theo Chủ tịch Linagora, những công ty chuyên về phần mềm tự do thường khó tiếp cận khách hàng hơn so với những ông lớn công nghệ
"Ví dụ, chúng tôi tạo ra một giải pháp có tên Twake Work Place - một giải pháp giao tiếp và cộng tác. Nếu ai đó vào trang web Twake và nhận ra rằng đó là một giải pháp tốt, họ sẽ sử dụng nó cho chính mình và chắc chắn sẽ cho người khác biết về nó. Và vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể xem Twake có khả năng làm gì và có đáp ứng được nhu cầu của họ không. Và rồi họ sẽ tải xuống giải pháp, cài đặt nó và thế là chúng ta có hiệu ứng lan tỏa, truyền miệng là cách tiếp thị tốt nhất. Bởi vì khi có ai đó quen bạn nói với bạn giải pháp này là một giải pháp tốt, họ là người bán hàng giỏi nhất, người quen bạn là người nói với bạn rằng, bạn nên thử. Do đó, nó phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ giữa con người và nó thực sự là một trong những điểm mạnh của phần mềm tự do. Đây vừa là một trong những điểm yếu nhưng cũng lại là một trong những điểm mạnh".
Với sự trợ giúp của các đơn vị truyền thông và người chơi phần mềm tự do, các phần mềm mã nguồn mở có thể lan tỏa rộng rãi và tiếp cận được nhiều người hơn.
Theo Chủ tịch Linagora, để có thể tiếp tục phát triển và cạnh tranh trong lĩnh vực nguồn mở, hành động khả thi nhất là đổi mới.
"Trong một thị trường có tính cạnh tranh rất cao như thị trường kỹ thuật số, để tiếp tục không chỉ cạnh tranh mà còn phải phát triển, chúng ta phải tập trung mọi thứ vào đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Để làm được điều đó, cần sự hợp tác với các trường Đại học. Tại Pháp, chúng tôi có một chương trình cho phép tiếp xúc chặt chẽ với 5 trường kỹ thuật lớn, trong đó có Đại học Bách khoa Paris. Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự ở Việt Nam khi hướng tới tăng cường hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhiều năm và chúng tôi đang phát triển mối quan hệ hợp tác này".
Để có khả năng thu hút những người giỏi nhất, Linagora có các chương trình thực tập cho sinh viên, cung cấp các cơ hội việc làm phù hợp và tạo điều kiện để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp với công ty.
Tiếp theo là sự hợp tác cấp cao với các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, công ty đã ký thỏa thuận chiến lược với Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), tổ chức lớn nhất của Pháp về nghiên cứu công.
"Chúng tôi đang cố gắng làm điều tương tự tại Việt Nam. Chúng tôi muốn thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, kể cả ở cấp độ phòng thí nghiệm, nghiên cứu công. Và vì vậy, tôi thực sự tin tưởng vào mô hình này, nơi chúng ta kết hợp kinh nghiệm của các phòng nghiên cứu công và nghiên cứu tư nhân" - ông Alexandre Zapolsky cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!