Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, dự kiến thực hiện từ ngày 1.1.2025.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Bên cạnh đó, cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng cũng thuộc diện bị tạm hoãn. Đối tượng khác bao gồm cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, hoặc người đại diện pháp luật của tổ chức không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Cơ quan thuế sẽ thông báo về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh qua phương thức điện tử. Nếu không thể gửi được thông báo do đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, thông tin sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, cơ quan thuế sẽ gửi văn bản đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Đề xuất này nhằm đảm bảo việc thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật, đồng thời hạn chế thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không chỉ mang tính răn đe mà còn thúc đẩy các cá nhân, tổ chức hoàn thành nghĩa vụ thuế đúng hạn.
Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt với các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc cố tình chây ì không nộp thuế. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
Nếu được thông qua, nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.