VTV.vn - Các giải pháp thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo có tiềm năng ứng dụng lớn trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt đối với khối giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 14/5, Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam - nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo - đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo" tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Hội thảo có sự tham gia của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia hàng đầu trong ngành cùng các trường Đại học, Cao đẳng và khối dạy nghề trên toàn quốc.
Tiềm năng của ứng dụng VR, AR và AI trong giáo dục và đào tạo
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc EON Reality Việt Nam - cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, có vai trò rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Xác định rõ tầm quan trọng và tiềm năng mà xu thế chuyển đổi số mang lại, Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để khai thác triệt để các cơ hội này.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc EON Reality Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo
Theo báo cáo, quy mô thị trường thực tế ảo toàn cầu được ước tính sẽ đạt 62,1 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và phát triển doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 9,5 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường toàn cầu về thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong đào tạo và phát triển doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2025. Tiềm năng thị trường cho công nghệ này là rất lớn vì nó có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhau.
"Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo, là đối tác chiến lược và nhà phân phối độc quyền của Tập đoàn EON Reality Toàn cầu tại Việt Nam, EON Reality Việt Nam tự hào mang tới các giải pháp đột phá về công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là giáo dục, y tế, sản xuất, an ninh và quốc phòng, du lịch, năng lượng…" - đại diện EON Reality Việt Nam chia sẻ.
PGS. TS. Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - phát biểu chào mừng
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho biết: "Là trường Đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT, là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng trong việc giảng dạy, theo dòng chảy và xu thế của chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục. Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã lựa chọn đối tác tiềm năng, tin cậy để đồng hành, đó là EON Reality Việt Nam để đưa Học viện trở thành một trong các đơn vị đào tạo ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy và học tập".
Tại hội thảo, ông Dan Lejerskar - Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu - đã trình bày tham luận với chủ đề "Khai phá tiềm năng ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo".
Ông Dan Lejerskar - Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu - trình bày tham luận tại hội thảo
Theo Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu, thế hệ tiếp theo của các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) sẽ nhanh hơn 100 lần so với các thế hệ trước. Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ vượt qua trí tuệ của con người ở phần lớn nhiệm vụ liên quan đến công việc trong vòng từ 3 - 5 năm tới. Sự phát triển nhanh của công nghệ AI có thể tác động lớn đến cuộc sống của con người.
Kết quả một nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố cho thấy, trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến 60% việc làm ở các nền kinh tế phát triển. Ông Dan Lejerskar cho rằng, AI có thể mang đến một tương lai vô cùng tiềm năng, tuy nhiên, sẽ cần một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, có thể kéo dài từ 5 đến 7 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào hành động của các chính phủ, giới học thuật và doanh nghiệp.
Tập đoàn EON Reality Toàn cầu là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại California, Hoa kỳ, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo với mạng lưới toàn cầu hiện tại lên đến 2,4 triệu người đăng ký ở hơn 110 địa điểm ở nhiều quốc gia khác nhau. Các sản phẩm được phát triển bởi EON Reality đã và đang được tin dùng bởi nhiều chính phủ, doanh nghiệp và trường học, nổi bật trong đó là Chính phủ Romania (Đề án cách mạng hóa giáo dục và đào tạo), Tập đoàn Boeing, Airbus, Singtel, Samsung, Audi, Shell, Exxon Mobil; Coca Cola, FIFA, Đại học Louisiana, Đại học East London, Trường cao đẳng cộng đồng Eastern Iowa, ITE Singapore…
Tại hội thảo, ông Dan Lejerskar cũng trình diễn việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo thông qua nền tảng EON-XR, cho thấy hiệu quả của sử dụng Metaverse và AI trong việc cải thiện chất lượng bài giảng của các giảng viên.
Thay đổi để vượt qua những thách thức đến từ công nghệ
Phiên tọa đàm của hội thảo diễn ra với sự góp mặt của ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cùng những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực.
Phiên tọa đàm trong hội thảo về Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, tình hình kinh tế thế giới đang trong quá trình chuyển đổi với tốc độ rất nhanh. Tất cả các nền kinh tế, từ các quốc gia phát triển cho tới các nước đang phát triển, đều phải đối mặt với những bài toán chung. Trong đó, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già, tình hình già hóa dân số diễn ra ở Việt Nam gần như nằm trong top nhanh nhất thế giới.
"Rất nhiều thách thức được đặt ra đối với nền kinh tế. Để phát triển kinh tế thì một trong những trụ cột lớn là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực vừa là động lực, vừa là định hướng, vừa là nền tảng để phát triển nền kinh tế" - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp nhấn mạnh.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp - chia sẻ tại tọa đàm
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện đào tạo khoảng 800 ngành nghề, từ ngành nghề cơ bản đến ngành nghề mới. Chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề cho những ngành nghề có những kỹ năng gần. Chúng ta phải nhanh chóng trong việc bổ sung kiến thức, kỹ năng và trong việc nâng cao chất lượng về sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.
Trong khi đó, ông Dan Lejerskar cho rằng, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo diễn ra quá nhanh, đến mức con người khó có thể biết và dự đoán chính xác về những gì đã xảy ra. Trước bối cảnh này, Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu cho rằng, để chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng, các chính phủ và các doanh nghiệp cần phải đưa ra lựa chọn.
Ông Dan Lejerskar trình diễn ứng dụng nền tảng EON-XR trong giáo dục và đào tạo
"Chúng ta phải tìm ra được một cách thức linh hoạt để đào tạo lực lượng lao động của mình. Chúng ta phải đào tạo được một lực lượng lao động có chất lượng cao, có khả năng linh hoạt và phải có chi phí thấp. Bên cạnh đó, cần kết hợp công nghệ AI với các yếu tố đa chiều và thực hiện thật nhanh" - ông Dan Lejerskar cho biết.
Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Tiến Đông - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Lý Thái Tổ - cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng VR, AR, AI vào giảng dạy và học tập tại Trường Cao Đẳng Lý Thái Tổ cùng với đề xuất về giải pháp nhân rộng mô hình hiệu quả.
TS. Nguyễn Đức Hoàng - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - đề cao tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng VR, AR, AI và định hướng của nhà trường trong việc áp dụng vào giáo dục và đào tạo đặc biệt cho những chuyên ngành như truyền thông đa phương tiện, đào tạo kỹ năng mềm…
Ông Nguyễn Hồng Sơn đã chia sẻ tầm nhìn và chiến lược của EON Reality Việt Nam trong việc ứng dụng VR, AR, AI vào giáo dục, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cho ngành giáo dục Việt Nam.
Thiết lập Trung tâm Trí tuệ nhân tạo không gian đầu tiên tại Việt Nam
Cũng trong ngày 14/5, EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết hợp tác chiến lược ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và giảng dạy, đưa giáo dục Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.
EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết thỏa thuận hợp tác
Việc hợp tác chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, mang đến những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.
Theo đó, ứng dụng nền tảng EON-XR của EON Reality Việt Nam sẽ được tích hợp vào công tác giảng dạy và học tập tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nền tảng này cung cấp các công cụ VR, AR và AI mạnh mẽ, giúp mô phỏng các môi trường học tập thực tế, tăng cường tương tác và thu hút người học, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức.
EON Reality Việt Nam cũng hợp tác xây dựng giải pháp trường đại học số, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Giải pháp này sẽ bao gồm các ứng dụng VR, AR, AI trong giảng dạy, quản lý sinh viên, đánh giá kết quả học tập...
EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ hợp tác sản xuất các nội dung học tập VR, AR chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học; hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhất như VR, AR, AI, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo; hợp tác tổ chức các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo... để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số trong giáo dục.
Đặc biệt, tại buổi lễ ký kết, hai bên đã chính thức công bố hợp tác cùng đầu tư, thiết lập Trung tâm Trí tuệ nhân tạo không gian (Spatial AI Center) đầu tiên tại Việt Nam.
Trung tâm Trí tuệ nhân tạo không gian này sẽ được đặt trụ sở tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và được trang bị các phòng lab, các thiết bị VR, AR, AI tiên tiến nhất nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo - giảng dạy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!