Giá đỗ là một trong những loại rau mầm phổ biến, giàu dinh dưỡng và được sử dụng rộng rãi trong các bữa ăn. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề giá đỗ ngâm hóa chất gây hại cho sức khỏe đang khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Mới đây, ngày 26/12, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện 20 tấn giá đỗ ở TP Buôn Ma Thuột bị ngâm chất cấm 6-Benzylaminopurine (BAP) – một loại hóa chất kích thích tăng trưởng nguy hiểm. Các cơ sở vi phạm đã bán ra 8-10 tấn giá đỗ độc hại mỗi ngày, gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo cảnh sát, chất cấm này nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn thường xuyên dùng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, giúp rễ ngắn, thân to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Theo tiến sĩ hóa học Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, giá đỗ ngâm hóa chất thường có thân mập, trắng, dễ gãy và không có rễ, trong khi giá đỗ tự nhiên có bộ rễ dài, thân mềm, thuôn dài, khó đứt gãy. Chất BAP được sử dụng trong quá trình ngâm ủ giá đỗ có đặc tính ít tan trong nước trung tính hoặc axit nhưng tan tốt trong môi trường kiềm. Vì vậy, để loại bỏ hóa chất tồn dư, người tiêu dùng có thể ngâm giá đỗ trong nước pha baking soda hoặc nước vôi trong – các dung dịch có tính kiềm cao. Hòa 2-3 thìa cà phê baking soda vào 2 lít nước, ngâm giá đỗ trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ hóa chất còn sót lại trên thực phẩm.
Ngoài ra, để kiểm tra chất lượng giá đỗ, có thể áp dụng một số cách đơn giản tại nhà. Giá đỗ tự nhiên có thể quấn quanh ngón tay hai đến ba lần mà không gãy, trong khi giá đỗ ngâm hóa chất dễ gãy do độ dẻo dai bị phá hủy.
Bạn cũng có thể ngửi và quan sát bề ngoài: giá đỗ tự nhiên thường có mùi thơm nhẹ, thân thon mảnh, rễ dài, trong khi giá ngâm hóa chất có mùi khó chịu, thân mập, ít hoặc không có rễ.
Một thí nghiệm thú vị từ Trung Quốc cho thấy, khi chiếu ánh sáng mạnh liên tục vào giá đỗ trong bóng tối, giá đỗ tự nhiên sẽ chuyển màu xanh hoặc sẫm do hiện tượng quang hợp, trong khi giá đỗ ngâm hóa chất vẫn giữ nguyên màu sắc.
Hình minh họa giá đỗ an toàn với phần rễ dài. Ảnh: Pinterest
Hình minh họa giá đỗ ngâm thuốc, không có rễ. Ảnh: Tin tức 24h
Dẫu có nhiều cách phân biệt giá đỗ an toàn, việc chọn mua giá đỗ có nguồn gốc rõ ràng hoặc tự làm tại nhà vẫn là giải pháp tối ưu. Giá đỗ có thể được ủ bằng nhiều cách đơn giản như sử dụng thùng cát, hộp sữa, túi lưới hoặc xửng hấp.
Những phương pháp này không tốn nhiều thời gian hay công sức mà vẫn đảm bảo giá đỗ sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng. Trong bối cảnh thực phẩm ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc tự ủ giá đỗ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn mang lại sự an tâm cho mỗi bữa ăn.