Sức mua toàn quốc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 10% so với ngày thường.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa dịp Tết năm nay sôi động, tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng thực phẩm và đồ trang trí. Nguồn cung dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định, không có biến động bất thường.
Từ ngày 20 tháng chạp (19-1), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng (phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo, nhiều gia đình cúng sớm vào ngày nghỉ cuối tuần trước 23 tháng chạp). Các chương trình hội chợ xuân, hội chợ nông sản thực phẩm, phiên chợ Tết, chợ hoa... được tổ chức tại nhiều địa phương từ đầu tháng 1-2025 nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân.
Nhiều điểm bán hàng Tết thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, các khu công nghiệp để người dân tiện mua sắm.
Các siêu thị bội thu trong mùa Tết 2024 khi lượng khách tăng cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Từ ngày 26 tháng chạp (bắt đầu kỳ nghỉ Tết sớm), thị trường sôi động hơn khá nhiều so với tuần trước đó. Nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong 2 ngày 28 và 29 Tết. So với cùng kỳ năm trước, sức mua năm nay tăng hơn.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng 20%-30% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút rất nhiều người dân, nhất là tại các thành phố lớn đến mua sắm. Đặc biệt, hàng Việt Nam chiếm tỉ lệ khá lớn và được nhiều người lựa chọn do giá cả hợp lý, mẫu mã khá đa dạng.
Tại các chợ dân sinh, hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào, đa dạng. Sức mua vài ngày cận Tết tăng mạnh nhưng giá hàng hóa không có biến động bất thường.
Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10% so với tháng thường và tăng so với Tết năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Theo Sở Công Thương TP HCM, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND TP HCM và từ kinh nghiệm các năm trước, sở đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành; sớm có dự báo nhu cầu thị trường, công tác chuẩn bị, cung ứng hàng hóa được chu đáo. Vì vậy, cung cầu thị trường Tết được bảo đảm, không có hiện tượng dư thừa hay khan hiếm.
Ngoài ra, hoạt động kết nối cung cầu được triển khai hiệu quả, thị trường TP HCM có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương phục vụ tiêu dùng Tết. Lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Các hệ thống phân phối lớn như Coopmart, Satra, Bách Hóa Xanh, BigC, MM Mega Market... đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics..., giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua sắm online, giao hàng tận nhà. Qua đó, góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang mua sắm online.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam, do ngày đầu nghỉ Tết trùng với cuối tuần, lượng khách hàng tăng 20%-30% so với đầu tuần tại từng trung tâm.
Như mọi năm, hệ thống Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON trên toàn quốc mở cửa xuyên Tết, phục vụ khách hàng. Do đã có lịch mở cửa từ sớm, AEON Việt Nam ghi nhận nhiều khách hàng, đặc biệt là các gia đình đã có kế hoạch đến vui chơi, mua sắm ngay từ mùng 1, mùng 2 Tết. Khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm rau, đồ tươi sống, mì, nước ngọt... Khu vực các sản phẩm cho trẻ em cũng thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội), cho hay trước Tết, lượng khách đến siêu thị tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết. Các mặt hàng được khách hàng ưa chuộng trong những ngày đầu năm mới là rau xanh, thực phẩm. Tuy vậy, do mấy ngày Tết đang trong kỳ nghỉ lễ nên lượng khách của siêu thị giảm 5%. Siêu thị kỳ vọng từ mùng 6 Tết, lượng khách sẽ đông hơn, nhất là để mua các mặt hàng thực phẩm, rau xanh.
GO! Thăng Long tiếp tục có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung phong phú về hàng hóa, giá bình ổn nhằm phục vụ người tiêu dùng mua sắm rằm tháng giêng với giá và nguồn hàng bình ổn.
Sở Công Thương TP HCM đánh giá thói quen mua sắm của người dân tiếp tục có sự chuyển biến về cơ cấu tiêu dùng, thời điểm và sự lựa chọn kênh mua sắm dịp Tết. Về cơ cấu tiêu dùng Tết, các mặt hàng may mặc, thời trang, trang thiết bị, đồ dùng gia đình… tăng mạnh 20%; trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thói quen vui chơi, giải trí, du lịch... dịp Tết tiếp tục phổ biến, giúp doanh thu dịch vụ ăn uống tăng mạnh 27,3%, dịch vụ du lịch tăng 17%...
"Các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố hoạt động gần như liên tục trước, trong và sau Tết, đáp ứng nhu cầu mua sắm xuyên Tết của người dân. Do đó, người tiêu dùng giảm nhu cầu tích trữ trước Tết, dần có thói quen mua sắm ngay từ mùng 2 Tết. Tình trạng ùn ứ, xếp hàng tại các hệ thống phân phối những ngày cận Tết năm nay đã giảm so với mọi năm" - ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, so sánh.
Theo ông Tú, sức mua của kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa… tiếp tục giảm so với các kênh phân phối hiện đại. Lượng hàng Tết lưu thông qua 3 chợ đầu mối ở TP HCM năm nay tuy tăng mạnh 70% - 80% so với ngày thường nhưng giảm 10%-15% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024. Ngược lại, sức mua tại kênh phân phối hiện đại tăng mạnh 100% - 120% so ngày thường và tăng 15% - 20% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024. Riêng sức mua tại các hệ thống phân phối như AEON, Bách Hóa Xanh… tăng 30% - 40% so với cùng kỳ; kênh thương mại điện tử tiếp tục đà tăng trưởng 45% - 50%/năm.../.