Từ cuối tháng 1 đến nay, Việt Nam đã có danh sách các trung tâm, phòng kiểm nghiệm cadimi và vàng O được phía Trung Quốc công nhận.
Tại Tiền Giang, vựa sầu riêng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng năm nay đạt khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, trái với sự sôi động thường thấy, 70% cơ sở thu mua đóng gói đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do sự thiếu thống nhất trong kiểm định kéo dài gần 2 tháng.
Bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo - Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Song Toàn Phát cho biết: “Kiểm tra cadimi, vàng O Việt Nam đạt thì xuất khẩu sang Trung Quốc, 4 ngày sau, Trung Quốc trả xe hàng về, bảo là vượt ngưỡng. Khi Việt Nam đạt, qua bên kia báo không đạt, chúng tôi không có một đơn vị thứ ba để giám định độc lập lại thành ra thiệt hại rất lớn. Một xe hàng thiệt hại 2,5 tỷ”.
Ông Võ Tấn Lợi - Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Tiền Giang chia sẻ: “Doanh nghiệp bây giờ xét nghiệm trước mới mua được, người nông dân trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang rất khó khăn”.
Từ cuối tháng 1 đến nay, Việt Nam đã có danh sách các trung tâm, phòng kiểm nghiệm cadimi và vàng O được phía Trung Quốc công nhận.
Quy trình lấy mẫu và kết quả kiểm nghiệm sầu riêng hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến việc một số đơn vị kiểm nghiệm tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp đề xuất cần được tham gia giám sát toàn bộ quá trình, từ vùng trồng đến cửa khẩu, thay vì chỉ kiểm nghiệm mẫu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Công ty Chứng nhận và Giám định Vinacert cho biết: “Chúng tôi chỉ lấy mẫu tại công thì chúng tôi không thể đánh giá chất lượng của lô hàng. Nếu để phát triển được thì Việt Nam phải thống nhất đây là một dịch vụ giám định chất lượng hàng hoá chứ không phải thử nghiệm chất lượng hàng hoá. Muốn giám định chất lượng hàng hóa, chúng tôi phải theo dõi từ đầu”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định: “Cơ chế này đòi hỏi việc hình thành các chuỗi bền vững. Do vậy, trách nhiệm của các phòng kiểm nghiệm, trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của các doanh nghiệp, trách nhiệm của người nông dân phải được đưa hết vào trong hợp đồng gọi là hợp tác bền vững trong vấn đề dịch vụ. Từ đó, chúng ta sẽ thúc đẩy được mô hình này”.
Trong 3 tháng tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bước vào vụ thu hoạch sầu riêng chính vụ, dẫn đến nguồn cung tăng mạnh. Ngay từ thời điểm này, giá sầu riêng đã giảm đáng kể, chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không sớm có những giải pháp căn cơ, ngành sầu riêng khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD.