Đồng Euro và đồng USD đồng loạt phục hồi trong phiên giao dịch ngày 26/5 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lùi thời hạn áp thuế lên hàng hóa châu Âu, giúp thị trường tạm thời trấn an trước nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại.
Cụ thể, trong phiên sáng 26/5, đồng Euro tăng 0,3% so với Yen Nhật, đạt mức 162,60 Yen đổi 1 Euro – mức cao nhất trong hơn ba tuần. Đồng tiền chung châu Âu cũng tăng 0,2% so với đồng USD, lên mức 1,1382 USD đổi 1 Euro – mức đỉnh kể từ ngày 30/4.
Đồng thời, đồng bạc xanh cũng phục hồi mạnh, tăng 0,4% so với Yen Nhật lên mức 143,085 Yen đổi 1 USD, sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang. Yen Nhật và Franc Thụy Sỹ – hai đồng tiền thường được xem là “hầm trú ẩn” trong các giai đoạn bất ổn – đã suy yếu trong phiên này khi tâm lý rủi ro trên thị trường dịu bớt.
Động thái tích cực này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn kế hoạch áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu từ ngày 1/6 sang ngày 9/7. Theo giới phân tích, quyết định được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó phía EU đề nghị thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Ngày 9/7 cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn 90 ngày tạm hoãn áp dụng các biện pháp thuế đáp trả được ông Trump công bố trước đó. Điều này khiến giới đầu tư phần nào yên tâm rằng vẫn còn cơ hội để Mỹ và EU đạt được một giải pháp hòa hoãn, qua đó giảm rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đô la Australia (AUD) và Bảng Anh (GBP) cũng duy trì đà tăng. Đồng AUD đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/5, với tỷ giá 0,6505 USD đổi 1 AUD. Đồng Bảng Anh giao dịch ở mức 1,3535 USD đổi 1 GBP – gần sát mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 ghi nhận trong phiên liền trước.
Dù vậy, thị trường vẫn giữ tâm lý thận trọng, khi Tổng thống Trump chưa rút lại đề xuất áp thuế 25% đối với các mẫu điện thoại iPhone không được sản xuất tại Mỹ – một động thái có thể tác động lớn đến ngành công nghệ và dòng thương mại toàn cầu.
Đáng chú ý, trong nỗ lực trấn an thị trường tài chính trước lo ngại về tình trạng tài khóa, ông Trump ngày 25/5 cho biết dự luật cải cách chi tiêu và thuế quy mô lớn mà Hạ viện thông qua gần đây có thể sẽ được điều chỉnh đáng kể tại Thượng viện. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự luật này có thể làm nợ công quốc gia – hiện ở mức 36.200 tỷ USD – tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Sự thay đổi bất ngờ trong chính sách thương mại và tài khóa của Mỹ tiếp tục khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, buộc các nhà đầu tư duy trì trạng thái theo dõi sát sao các diễn biến chính trị và kinh tế trong thời gian tới./.