Việc áp dụng 6 chính sách cơ chế đặc thù cho việc xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng ít nhất 5 năm.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua. Đây là quyết sách quan trọng nhằm huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và 10 tuyến tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2026 - 2045.
Nghị quyết đưa ra 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt. Về huy động vốn, Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương và các nguồn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên.
Huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất.
Với nhóm chính sách về trình tự, thủ tục đầu tư, dự án đường sắt đô thị sẽ không phải lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, mà được thực hiện ngay.
Giao quyền cho UBND Thành phố được quyết định trong phân chia dự án, gia hạn thời gian thực hiện, được ứng trước ngân sách.
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Những tuyến đường sắt đô thị đã nằm trong quy hoạch được lập ngay báo cáo nghiên cứu khả thi. Và trong báo cáo nghiên cứu khả thi được lập ngay thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở”.
Một điểm đáng chú ý nữa là dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD - tức là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sẽ được UBND Thành phố chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công, nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay...
Hình minh hoạ
TS. Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Chúng ta phải đề xuất quy trình rút gọn về bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình thu hồi tạo quỹ đất công trong khu vực TOD, để chúng ta có thể bán đấu giá”.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ được áp dụng nhóm chính sách mà hiện nay Hà Nội đang được áp dụng trong Luật Thủ đô.
Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đề án được Quốc hội thông qua chúng tôi rất vui nhưng cũng áp lực rất lớn vì khối lượng công việc khổng lồ. Trong vòng 10 năm, chúng ta phải triển khai 7 tuyến với chiều dài 355 km. Cơ chế là chúng ta được phép chỉ định thầu, tức là hoàn thiện ngay dự án đầu tư để có thể sớm phê duyệt”.
Theo tính toán, việc áp dụng 6 chính sách cơ chế đặc thù cho việc xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng ít nhất 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ được hưởng lợi sớm hơn từ một hệ thống giao thông hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị và 10 tuyến tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong gần 20 năm qua, cả hai Thành phố mới chỉ đưa vào khai thác vận hành được 3 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 40 km. Mỗi tuyến xây dựng mất từ 13-15 năm. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết sẽ giúp sớm đưa hệ thống đường sắt đô thị tại hai Thành phố vào vận hành, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của hai Thành phố lớn nhất cả nước./.