Để đạt được mục tiêu xuất khẩu cá tra 2 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các chiến lược kinh doanh và đa dạng hóa sản phẩm nhằm tối ưu hóa tiềm năng thị trường.
Giá cá tra đã tăng mạnh kể từ đầu năm, đạt mức 32.440 đồng/kg đối với loại cá có trọng lượng trên 1,2kg. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua, chủ yếu là do nguồn cung hạn chế.
Cá tra có trọng lượng từ 800g đến 1kg chiếm tỷ lệ khoảng 40% sản lượng, trong khi cá cỡ lớn hơn chỉ chiếm khoảng 5%. Thị trường Trung Quốc ưa chuộng cá cỡ lớn, còn thị trường EU và Mỹ lại có nhu cầu cao hơn đối với cá có kích cỡ nhỏ hơn.
Thị trường cá tra năm nay được dự báo sẽ có những bước phát triển tích cực. Để tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh các chiến lược kinh doanh và đa dạng hóa sản phẩm. Đây là nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay.
Thị trường cá tra năm nay được dự báo sẽ có những bước phát triển tích cực.
Doanh nghiệp cá tra đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Sản phẩm phi lê đã có mặt trên toàn cầu. Doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng và nguồn cung ổn định.
"Xuất làm sao cho đều, xuất được như vậy thì tốt đẹp chứ không phải tháng nào nhiều tháng nào ít. Kiểu mẫu ở nước ngoài đưa về thế nào để làm đơn hàng thì mình làm theo từng khách hàng và nước đó", ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Công ty Hùng Cá, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Bên cạnh sản phẩm cá tra phi lê truyền thống, các sản phẩm giá trị gia tăng đang phát triển mạnh mẽ, tăng trung bình 50%. Điều này phản ánh sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Mặc dù mặt hàng này chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 2,2%, nhưng có tiềm năng tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ như với Mỹ, hàng giá trị gia tăng đã tăng 45%; Trung Quốc tăng 18%. Đây là điểm sáng rất đáng khích lệ để các doanh nghiệp muốn phát triển dòng hàng này".
Vượt qua nhiều thách thức, ngành cá tra đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD nhờ nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Thị trường đa dạng mở ra cơ hội mới, cùng với việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Đặc biệt, phân khúc thị trường Hồi giáo với sản phẩm dán nhãn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thị trường Halal tiềm năng hơn cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng xuất khẩu cá tra Việt Nam còn hạn chế.
Mặc dù chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất cá thịt trắng như rô phi và cá tuyết. Do đó, cần có chiến lược và giải pháp riêng biệt để duy trì vị thế và thúc đẩy tăng trưởng.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho hay: "Trong nhiều năm qua, chúng tôi phát triển trong toàn chuỗi cá tra cũng như các sản phẩm liên quan theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chúng ta gia tăng giá trị từ các sản phẩm phụ phẩm là một điểm rất thuận lợi để tăng doanh số và lợi nhuận".
"Các doanh nghiệp nên có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, người nuôi, doanh nghiệp để làm sao chúng ta có sản lượng đủ cung cho thế giới. Thứ 2, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và đa dạng hóa về thị trường hơn là chúng ta đang tập trung khá nhiều vào thị trường Trung Quốc", bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Chế biến sâu, giá trị gia tăng, cùng với cập nhật về thị trường. Thị trường Halal chiếm khoảng 2,2 tỷ người trong tổng số 8 tỷ người trên thế giới. Đây là thị trường Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đã có những chứng nhận Halal nhưng tỷ lệ, khối lượng, số lượng, giá trị chúng ta xuất vào thị trường Halal chưa nhiều, chưa cao. Đây là thị trường rất nhiều lợi thế cạnh tranh như VASEP báo cáo còn lợi thế hơn cả thị trường Trung Quốc, Mỹ về giá trị".