Loại hạt này không chỉ là nguồn cung cấp protein tuyệt vời mà còn mang đến vô vàn lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cây đậu tương (hay còn gọi là đậu nành, đỗ tương) là loài cây bản địa của Đông Á, nổi bật với hàm lượng chất đạm cao, không chỉ được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc mà còn có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng nhờ vào hoạt động cố định khí nitơ của loài vi khuẩn Rhizobium cộng sinh trên rễ cây.
Hạt đậu tương chứa nhiều chất dinh dưỡng như Protein (40%), Lipid (12-25%), Glucid (10-15%) cùng các muối khoáng quan trọng như Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, cùng các enzyme, sáp, nhựa và acid amin. Đây là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh, chứa đầy đủ các amino acid không thay thế, cần thiết cho cơ thể.
Với tỷ lệ đạm thực vật dồi dào, đậu nành được ví như "thịt không xương". Lượng đạm trong 100g đậu tương có thể tương đương với 800g thịt bò. Protein có vai trò quan trọng trong việc điều tiết các hoạt động sống, giúp vận chuyển dưỡng chất từ quá trình tiêu hóa vào máu và các mô, qua đó giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng.
Các sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, sữa đậu nành chứa nhiều genistein – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Genistein giúp ức chế quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch và có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra, chất này còn có tác dụng giảm stress và hỗ trợ tăng cường mật độ khoáng trong xương, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh, cũng như giúp giảm triệu chứng đỏ bừng mặt trong giai đoạn này.
Theo y học cổ truyền, đậu nành có tính hàn, nên những người thể chất kém, tinh thần mệt mỏi hoặc mắc các triệu chứng của bệnh gout nên tránh sử dụng vì có thể gây ra tình trạng đầy bụng, chướng hơi, dễ bị đi ngoài. Người có thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều cũng không nên uống sữa đậu nành vì có thể làm tình trạng thêm nghiêm trọng.
Một lưu ý khác là sữa đậu nành có thể bị tác động bởi một số loại thuốc đặc biệt như kháng sinh chứa tetracycline, erythromycin, vì chúng có thể phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành. Vì vậy, nên tránh uống sữa đậu nành cùng lúc với các loại thuốc này, tốt nhất là cách nhau ít nhất một giờ.
Đặc biệt, trong sữa đậu nành còn có các chất ức chế saponin hormone và lectin, có thể làm cản trở quá trình hấp thu kẽm của cơ thể. Những người sử dụng sữa đậu nành thường xuyên cần chú ý bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống. Cùng với đó, những ai thiếu kẽm nên hạn chế uống sữa đậu nành.
Để tăng cường hiệu quả hấp thu dinh dưỡng từ sữa đậu nành, người uống có thể kết hợp với một chút tinh bột như bánh ngọt, bánh mì hay bánh bao. Tinh bột sẽ giúp dịch vị được tiết ra, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng từ sữa đậu nành.