Trước ngày 30/4, năm dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài gần 260km dự kiến sẽ thông tuyến chính.
Hiện sản lượng thi công đã đạt từ 74-85%, các nhà thầu đang nỗ lực rút ngắn tiến độ khoảng 6 tháng so với hợp đồng. Trong bối cảnh này, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Các tổ công tác do Phó Thủ tướng đứng đầu đang làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành lập bảy tổ công tác do các Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam. Đây là một trong những dự án quan trọng giúp đạt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm nay.
Theo Bộ Xây dựng, hiện năm dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đã đạt sản lượng thi công từ 74-85%. Riêng đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, một trong những tuyến trọng điểm sẽ thông tuyến trước 30/4, đã hoàn thành hơn 81% khối lượng công việc, với phần việc còn lại chủ yếu là lắp đặt lan can và thảm nốt lớp bê tông nhựa.
Để đảm bảo tiến độ, các địa phương phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cũng như cung cấp đủ nguồn vật liệu xây dựng. Các chủ đầu tư và ban quản lý dự án cũng phải giám sát chặt chẽ tiến độ, nghiệm thu và thanh toán kịp thời.
Ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc quản lý dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, khẳng định: "Chúng tôi chỉ đạo nhà thầu tận dụng tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi, chuẩn bị sẵn vật tư, vật liệu để triển khai thi công ngay khi có thể."
Song song với tiến độ thi công, việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án này cũng cần được đẩy mạnh. Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết: "Ban đã yêu cầu rà soát khối lượng thi công hàng tuần, nghiệm thu đến đâu thanh toán đến đó, nhằm đảm bảo dòng tiền liên tục cho nhà thầu."
Năm nay, TP.HCM được phân bổ hơn 84.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đến hết tháng 2, thành phố mới giải ngân được hơn 1.800 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 2% kế hoạch.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, TP.HCM đang tập trung cải cách hành chính, gỡ bỏ các rào cản thể chế, đặc biệt với các dự án hạ tầng quan trọng như đường Vành đai 2, đường liên cảng Cát Lái, hay tuyến metro số 2.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nhấn mạnh: "Chúng tôi tập trung vào các dự án kết nối giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường chiến lược giúp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng."
Ngoài ra, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 188 về cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP.HCM cũng được kỳ vọng sẽ giúp thành phố tháo gỡ nhiều vướng mắc, đặc biệt trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng và huy động vốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi 1% vốn đầu tư công được giải ngân có thể giúp GDP tăng thêm 0,06%. Do đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân là một trong những công cụ tài khóa quan trọng mà Chính phủ đang tập trung triển khai.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, nhận định: "Thể chế thông thoáng sẽ giúp dòng vốn đầu tư công chảy nhanh hơn, từ đó thúc đẩy phát triển hạ tầng và tăng trưởng kinh tế."
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương định kỳ báo cáo tiến độ trước ngày 30 hàng tháng. Trong trường hợp gặp khó khăn vượt thẩm quyền, các đơn vị phải báo cáo ngay để kịp thời tháo gỡ.
Với những động thái quyết liệt này, Chính phủ kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công trong năm nay, qua đó tạo cú hích quan trọng để nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng từ 8% trở lên, hướng tới tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo./.