Theo những người còn lưu giữ nghề tại làng Xuân La, nặn tò he đã xuất hiện khoảng 400-500 năm trước. Giờ đây, khi cuộc sống trở nên hiện đại hoá, nghề dân gian này đứng trước thay thế của thời cuộc. Các nghệ nhân hàng ngày vẫn trăn trở làm sao để sự xuất hiện " những đứa con" của mình không phai mờ trong dòng người.
Làng Xuân La nằm ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây được coi là mảnh đất sinh ra nghề nặn tò he. Người dân ở đây luôn tự hào nói rằng: "Chỉ có duy nhất Xuân La mới làm tò he trên mảnh đất chữ S này".
Tò he không phải là món đồ chơi xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống "không internet".
Thế giới của những con tò he, tác phẩm nghệ thuật dân gian được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của những người nghệ nhân. Từng là ký ức tuổi thơ tươi đẹp, là niềm tự hào văn hóa của bao thế hệ người Việt, nay tò he đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có từ thế giới đồ chơi công nghệ, hiện đại. Liệu hồn dân tộc có còn cơ hội để tiếp tục ngân vang trong dòng chảy thời gian?
Những người nghệ nhân Xuân La luôn trăn trở tìm hướng đi mới để bảo tồn và lưu giữ, để tò he luôn là nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc, của làng mình.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm CLB Tò he Xuân La, cho rằng, nghề tò he đang đứng trong cuộc sống hiện đại hoá, những món đồ chơi bây giờ hiện đại và nhiều tính năng và đó là những thách thức không nhỏ. "Tuy nhiên, nghề tò he vẫn có thể sống được" - anh Thành khẳng định. Tò he là bộ môn thiên về trải nghiệm, cái hay của nó nằm ở việc mình có thể tự sáng tạo ra nhân vật mình muốn nặn - người nghệ nhân tâm sự thêm.
Nghệ nhân Thành vẫn hàng tuần vẫn đến các trường học, các trung tâm cộng đồng để tổ chức những hoạt động trải nghiệm nặn tò he cho các em học sinh. (Ảnh: Nhật Linh).
Nghệ nhân Thành vẫn hàng tuần vẫn đến các trường học, các trung tâm cộng đồng để tổ chức những hoạt động trải nghiệm nặn tò he cho các em học sinh. (Ảnh: Nhật Linh).
Không ngừng đổi mới với những mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn, dự án làng nghề trở thành điểm du lịch,... đó là những hành động thiết thực nổi bật của người nghệ nhân Nguyễn Văn Thành nói riêng và những người trong nghề nói chung trong việc làm sao giữ được "hồn" làng Xuân La.
Bên cạnh đó, việc phối hợp với các đài truyền hình, phương tiện báo chí, truyền thông và nhiều trang mạng xã hội cũng được đẩy mạnh để quảng bá hình ảnh nghề tò he.
Thị hiếu người dùng thay đổi không ngừng khiến việc sản xuất, kinh doanh tò he có sự ảnh hưởng nhất định. Sinh ra trong "cái nôi" tò he Xuân La, anh Hậu - người đã dành cuộc đời của mình gắn bó với nghề không chấp nhận thực tại đó. Trước nguy cơ mai một, người nghệ nhân tâm huyết này vẫn hàng ngày bám nghề, nghiên cứu và sáng tạo hướng đi mới.
Anh thổi hồn vào tò he những hình dáng mới sao cho bắt kịp xu hướng hiện đại. Nếu như những sản phẩm ngày xưa là con gà trống, con thỏ,.. thì bây giờ có thể là những con tôn ngộ không, công chúa disney. Không chỉ có vậy, nghệ nhân Hậu đã làm ra bộ bảng chữ cái nặn bằng tay để phục vụ giáo dục.
Điều đó khẳng định rằng không phải chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống mà còn tìm cách đưa tò he bắt kịp xu thế thời đại, đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Anh Hậu luôn biết cách quảng bá sản phẩm của mình. (Ảnh: Nhật Linh).
Bản thân anh Hậu là một người nhạy bén với mạng xã hội. Từ nhiều năm trước, anh đã biết sử dụng youtube, facebook và gần đây nhất là tiktok để đăng tải các sản phẩm của mình lên.
Việc xây dựng hình ảnh cá nhân, quảng bá thương hiệu, từ đó những doanh nghiệp, hội chợ du lịch đã tìm đến.
Lớn lên bao nhiêu năm, chứng kiến sản phẩm thủ công này đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả thời hiện đại, tình yêu với con giống bột lớn dần lên trong người nghệ nhân này, để ngay cả khi nhiều người trẻ trong làng không tiếp bước với nghề truyền thống thì anh vẫn quyết định gắn bó cuộc đời mình với bột, với màu.
Theo anh: “Hơn tất cả, điều làm những người làng Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng”.
Giữ lửa nghề tò he chưa bao giờ dễ dàng bởi đó không đơn thuần là bảo tồn một nghề thủ công, mà còn là gìn giữ ký ức tuổi thơ, nuôi dưỡng tình yêu với di sản cha ông.
Để tò he mãi trường tồn, cần sự chung tay của cả cộng đồng: truyền dạy cho thế hệ trẻ, sáng tạo để phù hợp với thời đại, nhưng vẫn giữ nguyên cái hồn giản dị của đất Việt. Có như vậy, những sợi rơm, nắm bột màu mộc mạc ấy mới mãi nặn nên những ước mơ, thắp sáng niềm tự hào dân tộc trong trái tim mỗi người con đất Việt.