Sáng 13/2, giá vàng trong nước ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt là ở chiều mua vào. Sự điều chỉnh này giúp rút ngắn khoảng cách giữa giá mua và giá bán xuống còn 3 triệu đồng/lượng.
Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn giữ ở mức cao, dao động quanh ngưỡng 2.900 USD/ounce do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và tình hình lạm phát tại Mỹ.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đều niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,4 triệu đồng/lượng mua vào và 90,4 triệu đồng/lượng bán ra. So với chốt phiên ngày hôm qua, giá vàng đã tăng thêm 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 87,4 triệu đồng/lượng mua vào và 90,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng lần lượt 700.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cũng đi lên, hiện được giao dịch ở mức 88,6 triệu đồng/lượng mua vào và 90,35 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn đang duy trì ở mức cao do nhu cầu bảo toàn tài sản trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Đến rạng sáng 13/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay được ghi nhận ở mức 2.895,30 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giao dịch quanh 2.928,70 USD/ounce, giảm nhẹ 0,1%.
Một trong những yếu tố chính tác động đến giá vàng là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1/2025. Theo đó, CPI tăng 0,5%, cao hơn so với dự báo trước đó. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ thái độ thận trọng và chưa có động thái cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định rằng dữ liệu CPI cao hơn dự kiến đã tạo ra áp lực lớn đối với giá vàng. Việc Fed chưa có kế hoạch giảm lãi suất vào cuối năm nay có thể khiến vàng chịu một số tác động tiêu cực trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, thị trường vàng cũng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới đối với mặt hàng thép và nhôm, với mức thuế nhập khẩu lên tới 25%. Các cố vấn của ông Trump cũng đang chuẩn bị kế hoạch áp thuế đối ứng với các quốc gia khác, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Dù chịu áp lực từ chính sách lãi suất của Fed, nhưng giá vàng vẫn có động lực tăng trưởng nhờ vào tình trạng bất ổn kinh tế và thương mại toàn cầu. Ông Peter Grant, chuyên gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, đánh giá rằng căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với vàng, giúp giá vàng duy trì xu hướng tích cực trong thời gian tới.
Với những diễn biến hiện tại, giá vàng trong nước có thể tiếp tục biến động mạnh trong những ngày tới. Các nhà đầu tư cần theo dõi sát tình hình để có những quyết định phù hợp./.