Mới đây, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập cho biết tình hình an ninh đã trở nên thuận lợi cho việc tàu thuyền dần dần quay trở lại hoạt động qua kênh đào Suez. Đây là tín hiệu tích cực cho lĩnh vực vận tải hứa hẹn sẽ bận rộn hơn trong nửa cuối năm.
Cụ thể, theo Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie, căng thẳng an ninh chưa từng có ở Biển Đỏ đã tác động tiêu cực đến tỷ lệ tàu thuyền qua tuyến vận tải biển quan trọng của thế giới đi qua Ai Cập, vì nhiều hãng tàu buộc phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng.
Theo ông, tác động này lan rộng đến toàn bộ ngành vận tải biển, vốn đang phải chịu đựng thời gian đi thuyền dài hơn, chi phí hoạt động tăng trên mỗi chuyến đi và những tác động tiêu cực tiếp theo làm gia tăng chi phí của người tiêu dùng cuối cùng.
Cuộc khủng hoảng đã được xử lý một cách linh hoạt bằng cách duy trì liên lạc trực tiếp và hiệu quả với các hãng tàu, để thảo luận về việc điều chỉnh lịch trình di chuyển và khôi phục dần dần những chuyến tàu qua kênh đào Suez.
Hồi đầu tháng 5, SCA đã công bố mức giảm 15% đối với phí vận chuyển áp dụng với tàu container có trọng tải tịnh từ 130.000 tấn trở lên, có hoặc không tải, trong thời gian 90 ngày. Động thái này được Ai Cập đưa ra nhằm chia sẻ gánh nặng với các công ty vận tải biển và khuyến khích họ đưa lịch trình tàu thuyền trở lại kênh đào Suez.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đã chứng minh một cách chắc chắn rằng kênh đào Suez là không thể thiếu vì nó cân bằng một cách độc đáo giữa hiệu quả về thời gian và tiết kiệm chi phí, đồng thời cung cấp các dịch vụ hàng hải và hậu cần thiết yếu mà tuyến đường Mũi Hảo Vọng không thể cung cấp.
Dấu hiệu phục hồi của hoạt động thương mại qua kênh đào Suez bắt đầu từ tháng 2 vừa qua. Trong tháng 3/2025, có 166 tàu đã quay trở lại con kênh đào của Ai Cập sau lệnh ngừng bắn ngắn ngủi ở Dải Gaza giúp giảm bớt căng thẳng ở Biển Đỏ. Kênh đào Suez xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu cùng với du lịch và kiều hối là những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập./.