Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại rõ rệt trong những tháng đầu năm 2025, khi người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn và thâm hụt thương mại gia tăng do làn sóng nhập khẩu trước khi các mức thuế quan mới có hiệu lực.
Theo dự báo của Chính phủ Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2025 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong gần ba năm. Con số này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đang nhạy cảm với các tín hiệu chính sách mới.
Dù vậy, thị trường lao động Mỹ vẫn giữ được sự ổn định tương đối. Báo cáo sơ bộ cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm khoảng 130.000 việc làm trong tháng 4/2025, thấp hơn nhiều so với mức tăng bất ngờ hồi tháng 3/2025. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,2%.
Báo cáo GDP quý I, dự kiến công bố vào ngày 30/4, sẽ phản ánh những tác động ban đầu từ các chính sách thuế quan và thương mại của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt sau khi các mức thuế mới được công bố hôm 2/4.
Theo Bloomberg Economics, thâm hụt thương mại tiếp tục là yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu ô tô và các mặt hàng khác nhằm tránh chịu mức thuế cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đầu tư vào thiết bị sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực máy bay thương mại, được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hiếm hoi. Dự báo cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ duy trì dưới 1% trong ba quý đầu năm 2025, khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân suy yếu do lo ngại về việc làm và các chính sách thuế.
Cùng ngày với dữ liệu GDP, báo cáo chi tiêu và thu nhập cá nhân quý I/2025 cũng sẽ được công bố. Dự kiến, chi tiêu tiêu dùng đã tăng mạnh trong tháng 3, trong khi thu nhập cá nhân chỉ tăng nhẹ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – được dự báo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2024.
Với xu hướng lạm phát hạ nhiệt, Fed nhiều khả năng sẽ duy trì lãi suất hiện tại trong cuộc họp tháng 5/2025. Tuy nhiên, áp lực từ tăng trưởng kinh tế yếu có thể buộc cơ quan này phải xem xét cắt giảm lãi suất trong thời gian tới./.