VTV.vn - Làm nhà cho cá là cách gọi vui của ngư dân vùng biển Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận về công việc của mình.
Theo chân chương trình Sáng phương Nam (VTV9), khán giả có thể hiểu thêm về cách đánh bắt cá truyền thống của vùng biển này. Ngư dân lấy lá dừa kết tạo thành những cái chà thả xuống biển làm nơi trú ngụ cho cá, sau đó thả lưới đánh bắt. Nghề khai thác công phu và khá tốn kém này đã có từ lâu đời. Dù không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng nhiều ngư dẫn vẫn giữ lại với mong muốn biển luôn là nơi để cá sinh sôi. Khi đó nghề biển mới no đủ.
Nơi tấp nập ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là cảng cá bên cửa biển. Một phần tạo nên sự tấp nập ấy là những ngư dân với công việc khá lạ mắt cùng những tàu dừa. Điều này có thể gây bất ngờ cho những người lần đầu tiên đến đây.
Những tàu dừa đơn lẻ được ngư dân kết lại theo sợi dây tỉ mỉ theo một sợi dây dài 20 mét. Đây là công đoạn đầu tiên của việc làm chà lá. Ngư dân còn buộc đá vào một đầu để thả xuống biển, tạo bóng mát cho đàn cá.
Thả chà lá bắt cá là lối khai thác từ lâu đời ở vùng biển này. Hiện còn khoảng 30 tàu thuyền làm nghề này ở địa phương. Kiểu bắt cá bằng chà tốn nhiều công, mất nhiều chi phí hơn. Cứ vài ngày, khi lá dừa khô héo thì ngư dân phải kéo lá dừa vào tàu để thay lại bằng lá dừa mới. Một năm mỗi tàu khai thác bằng cách thả chà phải bỏ ra chi phí từ 800 triệu – 1 tỷ đồng. Chà lá cùng với những hòn đá nặng được thả xuống biển cách bờ hơn 15 hải lý. Ở đó những cái chà khi thả xuống nước sẽ tạo bóng mát giữa biển làm nơi trú ngụ cho những đàn cá.
Có những năm tốn cả tỷ đồng làm chà nhưng rốt cuộc đánh bắt chẳng ra sao, tiền đánh bắt không bù được chi phí. Dẫu vậy ngư dân ở Phan Rí Cửa vẫn theo nghề này vì làm chà cũng như làm nhà cho cá. Điều này giúp cá sinh sôi thì nghề biển mới no đủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!