Tối 13/4, tại Khu di tích Đền Đô - nơi phát tích của triều Lý, Lễ kỷ niệm 1015 năm ngày đăng quang của Đức vua Lý Thái Tổ được tổ chức trọng thể.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh tới dâng hương tưởng niệm, tri ân công lao của vị vua kiệt xuất - người đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào năm 1010, mở ra thời kỳ phát triển hưng thịnh và lâu dài cho quốc gia Đại Việt.
Đông đảo đại biểu và người dân tham dự lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Bắc Ninh luôn tự hào là quê hương của Đức vua Lý Thái Tổ, nơi khởi nguồn của tinh thần đổi mới, khai mở, và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Bắc Ninh trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Lý Công Uẩn là vị vua của lòng nhân ái, tầm nhìn chiến lược và khát vọng dựng nước. Trong Chiếu dời đô - áng thiên cổ hùng văn, ông để lại một thông điệp chưa bao giờ cũ: hãy chọn nơi đất lành để định đô, để tạo thế lâu dài cho quốc gia, vì dân vì nước. Tinh thần đó hôm nay vẫn nguyên giá trị. Giữa dòng chảy đổi thay của thời cuộc, chúng ta càng cần soi rọi lại quá khứ để vững bước đến tương lai, càng cần nuôi dưỡng những lý tưởng bền bỉ như tinh thần Lý triều - kiên cường mà nhân hậu, cải cách mà bền vững.
Không chỉ là một sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng, lễ kỷ niệm còn là lời khẳng định về sự trường tồn của giá trị lịch sử, là dịp để Bắc Ninh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” - lan tỏa bản sắc văn hóa nghìn năm, đồng thời gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa truyền thống và hiện đại, giữa di sản và khát vọng phát triển. Trong khuôn khổ buổi lễ, nhiều di tích và cổ vật đặc biệt đã được tôn vinh. Đình Đình Bảng - công trình kiến trúc tiêu biểu của vùng Kinh Bắc, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật điêu khắc dân gian - được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo - nguyên Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Đình Bảng - được công nhận là Di tích quốc gia. Đặc biệt, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - bảo vật quý hiếm gắn liền với quyền uy hoàng triều - chính thức trở thành Bảo vật quốc gia, như một minh chứng vật chất rõ ràng cho sự rực rỡ của một thời đại.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Bằng xếp hạng di tích và bảo vật quốc gia tại buổi lễ
Lễ kỷ niệm 1015 năm ngày Đức vua Lý Thái Tổ đăng quang không chỉ là sự trở về của lịch sử, mà còn là một lời mời gọi suy ngẫm: làm sao để hôm nay không phụ ngày xưa, làm sao để truyền thống không nằm lại trong ký ức, mà tiếp tục sống động, lan tỏa trong từng công trình, từng hành động, từng chính sách, từng thế hệ.
Bởi hơn một thiên niên kỷ đã đi qua, nhưng hào khí Lý triều với tầm vóc của một triều đại, một tấm gương lớn về nhân trị và kiến quốc vẫn còn đó, lặng lẽ nâng đỡ tinh thần Việt, nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai trên hành trình dựng xây đất nước hùng cường, phồn thịnh.
1015 năm đã trôi qua kể từ ngày Đức vua Lý Thái Tổ đăng quang hoàng đế, khai sáng triều đại nhà Lý - một trong những vương triều rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Nhưng dư âm của hào khí Thăng Long, tinh thần cải cách, lòng yêu nước và khát vọng dựng xây quốc gia vẫn còn âm vang trong từng lớp trầm tích lịch sử, trong nếp nghĩ và tâm thức của bao thế hệ người Việt hôm nay. |