Nga đã bắt đầu áp dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác trong các giao dịch thanh toán quốc tế, một động thái đáng chú ý nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, các giao dịch bằng tiền điện tử đã được thực hiện như một phần của chế độ thử nghiệm, và ông kỳ vọng việc sử dụng này sẽ được mở rộng trong tương lai gần.
Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây khó khăn lớn cho hoạt động thương mại của Nga với các đối tác lớn như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều ngân hàng quốc tế đã tỏ ra thận trọng trong việc xử lý giao dịch liên quan đến Nga để tránh bị giám sát và trừng phạt từ các cơ quan phương Tây. Trước bối cảnh này, chính phủ Nga đã đưa ra các thay đổi pháp lý, cho phép sử dụng bitcoin và tiền điện tử trong thương mại quốc tế, đồng thời hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền điện tử trong nước.
Nga sử dụng tiền điện tử để giao dịch nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. (Ảnh minh họa)
Nga hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác bitcoin. Ông Siluanov nhấn mạnh rằng việc sử dụng bitcoin khai thác trong nước không chỉ phục vụ giao dịch quốc tế mà còn là một phần trong chiến lược chống lại các biện pháp phong tỏa kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sử dụng tiền điện tử, coi đây là một giải pháp thay thế cho các dự trữ ngoại tệ. Ông nhấn mạnh rằng sự phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ đang bị thách thức bởi việc Mỹ sử dụng đồng tiền này như một công cụ chính trị. Trong các tuyên bố gần đây, ông Putin khẳng định rằng không một quốc gia nào có thể kiểm soát bitcoin, điều này tạo ra sự tự do trong giao dịch và lưu trữ tài sản.
Các nhà lập pháp Nga đang thúc đẩy việc xây dựng dự trữ bitcoin chiến lược, dựa trên dự đoán giá trị Bitcoin sẽ tăng mạnh vào năm 2025. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Anton Tkachev, đã đề xuất việc thành lập một kho dự trữ Bitcoin quốc gia, coi đây là tài sản chiến lược giúp Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt và tăng cường sức mạnh kinh tế.
Theo giới phân tích, sự quan tâm của Nga đối với Bitcoin không chỉ nhằm giải quyết khó khăn tài chính mà còn phản ánh xu hướng toàn cầu khi các quốc gia và nhà đầu tư tìm đến tiền điện tử như một lựa chọn thay thế cho hệ thống tài chính truyền thống.
Dù tiềm năng của tiền điện tử là rất lớn, Nga cũng đối mặt với không ít thách thức. Ngân hàng Trung ương Nga đang chuẩn bị triển khai thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử, nhưng việc mở rộng quy mô sử dụng Bitcoin đòi hỏi phải có khung pháp lý và cơ sở hạ tầng phù hợp. Đồng thời, sự biến động giá mạnh mẽ của bitcoin có thể gây rủi ro trong việc dự trữ và sử dụng tiền điện tử ở cấp quốc gia.
Với việc các quốc gia bị trừng phạt hạn chế tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế truyền thống, tiền điện tử đang nổi lên như một công cụ hữu ích để duy trì thương mại. Động thái của Nga không chỉ là một biện pháp khẩn cấp mà còn thể hiện chiến lược dài hạn nhằm tăng cường độc lập tài chính và phát triển kinh tế trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng./.