Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), dịp nghỉ Tết Ất Tỵ ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương. Cụ thể, Quảng Ninh ước đón 228,7 nghìn lượt khách; Đà Nẵng ước đón hơn 228 nghìn lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024; Quảng Nam ước đón 157 nghìn lượt, tăng 40%; Hà Nội ước đón 142 nghìn lượt khách, tăng 15,8%; TP. Hồ Chí Minh ước đón 87,3 nghìn lượt khách, tăng 16,5%... Đây là những tín hiệu khởi đầu tích cực, cho thấy bức tranh sáng sủa của du lịch Việt Nam trong năm 2025.
Trong đó, thị trường khách quốc tế đang có sự dịch chuyển rõ rệt. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục là nguồn khách lớn, nhưng những thị trường mới như Ấn Độ, Đông Nam Á và các quốc gia thuộc châu Âu đang mở ra cơ hội lớn. Theo các chuyên gia, để khai thác triệt để tiềm năng từ những thị trường này, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp những trải nghiệm du lịch độc đáo và đa dạng hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phải được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là giao thông, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình phục vụ du khách.

Hình minh hoạ
Ngoài ra, việc duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch bền vững là điều không thể thiếu. Du khách ngày càng quan tâm đến việc giảm thiểu tác động đến môi trường khi du lịch. Vì vậy, việc phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, hay du lịch trải nghiệm gắn liền với bảo vệ môi trường sẽ là xu thế quan trọng trong chiến lược thu hút khách quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đón 23 triệu khách quốc tế, các cơ quan quản lý cần thiết lập các chính sách hỗ trợ phù hợp, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đồng thời tăng cường kết nối hàng không giữa các điểm đến du lịch và các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc nâng cấp hạ tầng số, phát triển du lịch thông minh sẽ là yếu tố then chốt để giữ chân du khách và tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế trong dài hạn.
Có thể nói, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Trong năm 2025, ngành Du lịch kỳ vọng sẽ đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Muốn làm được điều này, các đơn vị cần đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, quảng bá thương hiệu du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, mới có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, kể từ sau dịch Covid-19, ngành Du lịch nước ta đang vươn lên một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành vẫn còn có một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Việc phục hồi nền du lịch không dễ dàng, đòi hỏi các đơn vị, bộ phận và địa phương cùng bắt tay để phối hợp thực hiện. Trong đó, công tác truyền thông cần được chú trọng hơn cả./.