Gen Z là thế hệ đang bước vào giai đoạn xây dựng sự nghiệp và từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà ngày càng lớn, liệu giấc mơ ổn định chỗ ở có còn là mục tiêu thiết thực hay chỉ là một áp lực xã hội để nặng lên vai thế hệ trẻ?
Theo số liệu, năm 2024, giá nhà trung bình tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp 20 - 30 lần so với thu nhập bình quân năm của một lao động trẻ. Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên thị trường hiện gần như không có dự án căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2. Phần lớn các dự án đang ở phân khúc trung cấp 25 - 50 triệu đồng/m2 đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch. Trong khi mức lương phổ biến của người trẻ chỉ dao động từ 10 - 15 triệu đồng một tháng.
Nhìn vào bức tranh này, có thể thấy thế hệ Gen Z đang đứng trước một lựa chọn khắc nghiệt hoặc chấp nhận thuê nhà suốt đời hoặc phải làm nhiều công việc khác nhau, đa dạng nguồn thu nhập và lao vào một cuộc chiến trả nợ hàng chục năm.
Giá nhà Hà Nội và TP.HCM tăng liên tục qua các năm
Thậm chí những người quyết tâm mua nhà thường phải hy sinh nhiều thứ: thời gian cho gia đình, từ bỏ nhu cầu cá nhân, cắt giảm chi tiêu tối thiểu và chịu đựng áp lực nợ nần triền miên.
Mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ người mua nhà như vay ưu đãi lãi suất thấp nhưng nguồn cung nhà ở giá rẻ vẫn rất hạn chế. Đa số các dự án bất động sản tập trung vào phân khúc cao cấp, bỏ lại phía sau nhu cầu của hàng triệu người trẻ chỉ muốn một nơi ở vừa túi tiền. Chính sách vay vốn tuy có cải thiện nhưng việc phải trả góp một khoản lớn mỗi tháng khiến người vay phải sống trong tình trạng căng thẳng về tài chính.
Trong khi đó chi phí sinh hoạt và nhu cầu cá nhân thì vẫn không ngừng tăng lên, tạo nên gánh nặng nợ nần kéo dài thế hệ Gen Z.
Bên cạnh gánh nặng tài chính, tâm lý xã hội cũng góp phần khiến cho giấc mơ sở hữu nhà của Gen Z trở nên áp lực hơn. Sở hữu nhà từ lâu được xem là thước đo của sự thành công trong văn hóa Việt Nam. Câu hỏi "Bao giờ mua nhà?" không chỉ đến từ người thân mà còn từ bạn bè, đồng nghiệp, tạo ra một áp lực vô hình đối với người trẻ.
Nhà ở không chỉ đơn thuần là một nơi trú ngụ, mà còn là mình chứng cho sự trưởng thành và ổn định khiến nhiều người cảm thấy mình thất bại nếu chưa có nhà. Bên cạnh đó, mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng cũng "đổ thêm dầu vào lửa". Những bài đăng khoe căn hộ mới hay tự mua nhà ở tuổi đôi mươi từ bạn bè hay người nổi tiếng khiến người trẻ rơi vào áp lực. Nhiều người dù chưa đủ khả năng tài chính vẫn cố gắng chạy vạy hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính để chạy theo tiêu chuẩn chung của thời đại.
Ảnh minh hoạ
Mất đi sự cân bằng khi tất cả mọi thứ đều xoay quanh một vòng tròn vay nợ, đi làm trả nợ. Thậm chí khi cuộc sống gặp phải những biến động như thất nghiệp hoặc có thêm con nhỏ, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, tâm lý sợ bỏ lỡ càng khiến người trẻ đưa ra những quyết định vội vàng. Giá bất động sản liên tục tăng cao giống như một đoàn tàu lao nhanh và ai không kịp bước lên sẽ mãi mãi bị bỏ lại.
Do đó, thay vì coi việc sở hữu nhà là mục tiêu duy nhất, giới trẻ có thể lựa chọn các chiến lược tài chính phù hợp với tình hình cá nhân, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường để tích lũy tài sản theo cách bền vững hơn.
Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các nhà phát triển bất động sản cũng cần được điều chỉnh thay vì chỉ tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp. Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cần tái cơ cấu đầu tư, chuyển hướng phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền để không chỉ những người có thu nhập cao mới có thể sở hữu nhà.
Nhiều người hay nói rằng là Gen Z là một thế hệ yếu đuối nhưng đôi khi đó chỉ là một góc nhìn phiến diện bởi đôi khi họ chỉ là những người trẻ đang cố gắng vươn lên trong một thời đại mới đầy thách thức như hiện nay.