Liên minh OPEC+ đang xem xét khả năng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu dự kiến vào tháng 4/2025, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động. Bất chấp áp lực từ chính quyền Mỹ nhằm hạ giá dầu, các thành viên OPEC+ lo ngại rằng việc khôi phục sản lượng quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.
Theo Bloomberg, một số đại biểu của OPEC+ cho biết liên minh đang thảo luận về việc lùi thời gian thực hiện kế hoạch tăng sản lượng dầu thô do lo ngại về sự mong manh của thị trường. Quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, và các nước thành viên OPEC+ đang cân nhắc các yếu tố tác động trước khi đi đến thống nhất.
Dự kiến, đợt tăng sản lượng 120.000 thùng/ngày vào tháng 4/2025 sẽ đánh dấu lần thứ tư OPEC+ hoãn khôi phục nguồn cung kể từ năm 2022. Hiện tại, liên minh đặt mục tiêu tăng dần sản lượng thêm 2,2 triệu thùng/ngày theo từng giai đoạn cho đến cuối năm 2026.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã kêu gọi OPEC tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá dầu, nhưng nhiều quốc gia thành viên của OPEC cho rằng mức giá hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trong nước. Giá dầu Brent hiện dao động quanh mức 74 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với ngưỡng mong muốn của một số nước xuất khẩu dầu lớn.
Báo cáo mới nhất của OPEC cũng nhấn mạnh những rủi ro từ chính sách thuế quan thương mại của Mỹ, cho rằng điều này có thể gây mất cân bằng cung – cầu, tạo ra sự biến động không cần thiết trên thị trường năng lượng. Đồng thời, OPEC cảnh báo rằng các yếu tố bất ổn này có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát và ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất toàn cầu vào năm 2025.
Liên minh OPEC+ lần đầu công bố kế hoạch khôi phục sản lượng vào tháng 6/2024, nhưng đã liên tục trì hoãn do nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc tăng trưởng chậm và nguồn cung từ khu vực châu Mỹ tăng mạnh. Nếu tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng sản lượng, thị trường có thể đối mặt với tình trạng dư cung nghiêm trọng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngay cả khi OPEC+ giữ nguyên mức sản xuất hiện tại, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn có thể vượt nhu cầu trung bình khoảng 450.000 thùng/ngày trong năm nay. Các tổ chức tài chính lớn như JPMorgan và Citigroup dự báo giá dầu có thể giảm xuống 60 USD/thùng vào cuối năm 2025 nếu tình trạng dư cung tiếp tục kéo dài.
Thị trường dầu mỏ gần đây cũng chịu áp lực từ những diễn biến địa chính trị. Giá dầu đã giảm trong những ngày qua do kỳ vọng rằng một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt, giúp ổn định dòng chảy dầu trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang làm gia tăng lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu năng lượng sụt giảm.
Hiện tại, OPEC+ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về kế hoạch sản lượng trong thời gian tới. Dự kiến, liên minh sẽ có thông báo chính thức trong những tuần tới sau khi cân nhắc các yếu tố kinh tế và địa chính trị tác động đến thị trường dầu mỏ./.