Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm giả

Theo PLO - Thứ ba, ngày 22/07/2025 17:24 GMT+7

Tại buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội sáng 22/7, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - đã chỉ ra nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi trong sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả, đồng thời đề xuất các giải pháp siết chặt quản lý trong bối cảnh số lượng cơ sở kinh doanh lớn, còn lực lượng kiểm tra thì mỏng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm giả
Tình hình sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Ảnh minh họa: PLO

Sáng 22/7, Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội đã có buổi khảo sát tại TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả. Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban - làm trưởng đoàn. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cùng đại diện nhiều sở, ngành tham dự buổi làm việc.

thuc-pham-gia-785-6139.jpg.webp


Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ về thực trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả tại buổi khảo sát. Ảnh: PLO

Tại đây, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 164 bệnh viện công lập cùng hàng chục ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm, là đầu mối phân phối thuốc lớn cho cả nước. Riêng lĩnh vực thực phẩm, thành phố quản lý hơn 13.700 cơ sở kinh doanh, 2.800 cơ sở sản xuất - chế biến cùng hàng ngàn bếp ăn tập thể, siêu thị, chợ đầu mối và cửa hàng tiện lợi.

Theo bác sĩ Nam, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả đang diễn biến ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi. Do đây là hành vi mang lại lợi nhuận rất cao, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, liều lĩnh và khó kiểm soát. Một trong những chiêu trò phổ biến là tổ chức sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau, khiến cơ quan chức năng khó lần ra dấu vết. Hoạt động mua bán chủ yếu thông qua mạng xã hội và giao hàng tận nơi, nhằm giấu kín địa điểm giao dịch.

Các đối tượng thường chọn những nơi vắng vẻ như nhà không số hoặc núp bóng dưới danh nghĩa công ty hợp pháp để lập cơ sở sản xuất. Việc kiểm tra, xử lý do đó gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ làm giả thuốc và thực phẩm đã có thương hiệu, hiện nay, một số cơ sở còn thiết kế sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, tự đặt tên sản phẩm, in giả số đăng ký hoặc số công bố, sử dụng tem, mã vạch và mã QR giả để qua mặt người tiêu dùng và các điểm bán lẻ.

Đặc biệt, với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng thường tập trung vào sản phẩm có giá trị cao, sản xuất theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, tiêu thụ đến đâu làm đến đó, không cho người đặt hàng tiếp cận nơi sản xuất nhằm hạn chế rò rỉ thông tin.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn thuốc giả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Công an thành phố đã phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn. Một vụ thu giữ hơn 1.160 thùng thuốc giả trị giá hàng tỉ đồng, cùng dây chuyền sản xuất hiện đại và nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Một vụ khác phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương triệt phá cơ sở làm giả sữa mang thương hiệu nổi tiếng như Abbott Ensure, Glucerna, tổng giá trị lên đến 14,5 tỉ đồng. Các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, chỉ bán hàng online để tránh bị phát hiện.

Từ đầu năm 2024 đến giữa năm 2025, Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra hàng chục ngàn cơ sở, xử phạt hàng trăm trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Các hình thức xử lý bao gồm đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm và tiêu hủy hàng vi phạm. Trong tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6, TP Hồ Chí Minh đã xử lý 3.341 vụ, khởi tố 2 vụ với 6 bị can.

Thành phố cũng triển khai cổng tra cứu hành nghề y dược tại địa chỉ https://tracuu.medinet.org.vn và công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, thành phố cũng áp dụng hệ thống quản lý thuốc quốc gia để theo dõi vòng đời sản phẩm.

Tuy vậy, bác sĩ Nam cho rằng cuộc chiến chống thuốc và thực phẩm giả vẫn còn rất gian nan khi lực lượng kiểm tra mỏng, trong khi số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh ngày một tăng. Đặc biệt, việc các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử đang khiến việc phát hiện, xử lý trở nên khó khăn hơn.

Từ thực tế đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự, tăng khung hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời đề xuất Chính phủ nâng mức xử phạt hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế đẩy mạnh số hóa dữ liệu kiểm nghiệm, bổ sung thiết bị kiểm tra nhanh, hoàn thiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Riêng Bộ Tài chính được đề nghị sớm có hướng dẫn về việc xây dựng kho lưu trữ tang vật phục vụ điều tra và xét xử./.

Từ khoá:
Bài liên quan
Trong bối cảnh quan hệ truyền thống ngày càng được củng cố và yêu cầu của tình hình mới, Việt Nam và Bulgaria đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh quan hệ truyền thống ngày càng được củng cố và yêu cầu của tình hình mới, Việt Nam và Bulgaria đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều lô mỹ phẩm cao cấp mang nhãn hiệu Image và Image Skincare do vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác và công bố thành phần, đồng thời tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mới từ đơn vị phân phối tại Việt Nam.
22/07/2025
Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi 190 số công bố thiết bị y tế loại A và B do nhiều sản phẩm không đáp ứng định nghĩa thiết bị y tế, công bố sai mục đích sử dụng và vi phạm quy trình quản lý.
22/07/2025
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất siết chặt nội dung quảng cáo với những sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, nhằm bảo vệ cộng đồng trước các thông tin thiếu kiểm chứng.
22/07/2025
Trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép người từ 70 tuổi trở lên được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không cần giấy chuyển tuyến và sớm hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Y tế đã có phản hồi cụ thể.
22/07/2025
Tin mới