Thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên với “bầu sữa công nghệ”, tiếp cận không gian mạng sớm, trong khi các bậc phụ huynh khi trưởng thành mới bắt đầu tiếp cận. Do đó, có những rủi ro cha mẹ không thể kiểm soát và định hướng cho con cái.
Trong thời đại hiện nay, không gian mạng và internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt đối với trẻ em. Các em ngày càng tiếp cận công nghệ và sử dụng internet để học tập, giải trí và giao tiếp. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã kéo theo những thách thức lớn trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, dân số Việt Nam đạt khoảng 100,3 triệu người, trong đó trẻ em chiếm gần 1/4 dân số. Hơn 2/3 trẻ em hiện nay có thể tiếp cận với các thiết bị có kết nối internet, làm gia tăng nguy cơ trẻ gặp phải các vấn đề rủi ro khi sử dụng mạng. Mặc dù các cơ quan chức năng, doanh nghiệp công nghệ và đội ngũ kỹ sư an ninh mạng đã không ngừng nỗ lực làm sạch không gian mạng, nhưng bảo vệ trẻ em, trang bị cho các em kỹ năng số và nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân là giải pháp căn cơ và bền vững nhất.
Theo số liệu từ Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận hơn 533.200 báo cáo liên quan đến hình ảnh và video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về các cảnh báo mất an toàn trên không gian mạng đối với trẻ em. Điều này là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự cấp thiết phải xây dựng các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ trên internet.
Chị Nguyễn Hồng Ánh, cư dân quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ: “Trên mạng có rất nhiều tài liệu và thông tin về các rủi ro trên không gian mạng, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, việc kiểm soát sự an toàn của trẻ trong môi trường mạng lại không phải điều dễ dàng, khi đôi khi chính bản thân người lớn chúng tôi cũng chưa biết cách tự bảo vệ mình."
Anh Lê Tiến Long, quận Đống Đa, bày tỏ: “Nếu có một tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và tổng hợp đầy đủ về cách bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chắc chắn sẽ rất hữu ích cho gia đình và nhà trường. Điều này không chỉ giúp phụ huynh nâng cao hiểu biết mà còn giúp trẻ em tự bảo vệ mình.”
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thế hệ trẻ ở Việt Nam đã lớn lên với "bầu sữa công nghệ", tiếp cận internet từ khi còn rất nhỏ, trong khi các bậc phụ huynh thường chỉ tiếp xúc với công nghệ khi đã trưởng thành. Điều này tạo ra khoảng cách lớn về nhận thức và khả năng kiểm soát các rủi ro trên không gian mạng, khiến nhiều bậc phụ huynh không thể bảo vệ con em mình đúng cách.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các bậc phụ huynh, việc chung tay của các doanh nghiệp công nghệ, nền tảng dịch vụ mạng và các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng cần thiết để hình thành một “lá chắn” bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ trên không gian mạng.
Các chuyên gia cho rằng công tác bảo vệ trẻ em cần tập trung vào ba định hướng chính: Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng; triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn và đánh giá dữ liệu độc hại đối với trẻ em; và tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn mạng đối với trẻ em, phụ huynh, giáo viên và những người chăm sóc trẻ.
Để hỗ trợ việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt tài liệu "Cẩm nang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng 2024". Tài liệu này là một phần trong Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" được Chính phủ ban hành nhằm giúp tăng cường kỹ năng số cho thế hệ công dân số của Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), cho biết cẩm nang được biên soạn rất cụ thể và dễ hiểu, phù hợp với đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 6 tuổi, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc tham khảo và trao đổi với trẻ về các kiến thức an toàn thông tin. Việc cung cấp thông tin từng bước mỗi ngày sẽ giúp trẻ dần hình thành nhận thức và thói quen bảo mật thông tin.
Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, việc tăng cường nhận thức về bảo mật thông tin và an toàn khi sử dụng internet cần có sự hỗ trợ từ nhà trường, giáo viên và các tổ chức xã hội. Các chương trình hỏi đáp, câu hỏi lựa chọn hay các cuộc thi về an toàn thông tin có thể giúp trẻ dễ dàng tiếp cận và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
Cục An toàn thông tin hy vọng rằng cẩm nang này sẽ trở thành tài liệu thiết yếu giúp phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ nắm bắt được các kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ trẻ tham gia môi trường mạng một cách tự tin và an toàn, từ đó giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực mà không gian mạng có thể gây ra.