VTV.vn - Một báo cáo mới cho thấy Trung Quốc đang thống trị cuộc đua toàn cầu về số bằng sáng chế AI tạo sinh.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của Liên Hợp Quốc, các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc đã nộp hơn 38.000 bằng sáng chế về AI tạo sinh từ năm 2014 đến năm 2023. Con số này gấp sáu lần so với số đơn của các nhà phát minh có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Cụ thể, về mặt địa lý, Trung Quốc dẫn đầu với 38.210 phát minh, vượt xa Mỹ (6.276), Hàn Quốc (4.155), Nhật Bản (3.409) và Ấn Độ (1.350).
Thay vì chỉ đơn giản là phân loại hoặc xác định dữ liệu như các AI phổ biến khác, Generative AI (AI tạo sinh) sẽ tạo ra nội dung hoàn toàn mới - từ văn bản, hình ảnh, thậm chí cả mã máy tính - dựa trên quá trình AI "học" dựa các dữ liệu đã thu thập được trong quá khứ
Theo báo cáo củ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, bằng sáng chế AI tạo sinh hiện chiếm 6% tổng số bằng sáng chế AI trên thế giới.
"Sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động cấp bằng sáng chế phản ánh những tiến bộ công nghệ gần đây cũng như tiềm năng của GenAI", báo cáo nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp chủ sở hữu ChatGPT - OpenAI cũng như các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Microsoft, Google và Amazon trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), sau khi bị đánh giá là trễ cuộc chơi.
Alibaba đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình vào năm ngoái
ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới vào tháng 11/2022 nhờ khả năng tạo phản hồi giống con người đối với những yêu cầu của người dùng.
Năm ngoái, hai ông lớn công nghệ Trung Quốc bao gồm Alibaba và Baidu cũng đã tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn LLM của riêng mình để thách thức các đối thủ đến từ Mỹ.
Trang CNBC cho biết. trong nỗ lực củng cố sự hiện diện của mình trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra "kế hoạch hành động" kéo dài 3 năm vào tháng 5 vừa qua, nhằm tăng cường các tiêu chuẩn về chip AI, AI tạo sinh và xây dựng sức mạnh điện toán quốc gia, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế.
"Trung Quốc có thị trường cực kỳ lớn chưa được khai thác dành cho người tiêu dùng cũng như số lượng lớn các doanh nghiệp kinh doanh, công nghệ nhằm giúp đưa các công nghệ AI vào các ứng dụng trong các ngành khác nhau", bà Wei Sun, cố vấn cao cấp về nghiên cứu nhân tạo tại Counterpoint Research, nói với trang CNBC.
"Đó là chìa khóa để Trung Quốc đứng đầu về số lượng bằng sáng chế cũng như thực sự có số lượng ứng dụng triển khai trong thế giới thực có thể vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này", bà Wei nói thêm.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dữ liệu hình ảnh và video thống trị các bằng sáng chế về Gen AI với 17.996 phát minh, tiếp theo là văn bản (13.494), giọng nói hoặc âm nhạc (13.480).
Bằng cách phân tích các xu hướng và dữ liệu cấp bằng sáng chế, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, mục đích của tổ chức này là giúp các nhà hoạch định chính sách "định hình sự phát triển của GenAI vì lợi ích chung của chúng ta".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!