Để đạt được mục tiêu thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD trong năm nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, linh hoạt ứng phó với hàng rào thuế quan...
Từ quý II/2025 trở đi, xuất khẩu đối diện với nhiều khó khăn, nhất là trước làn sóng thuế quan đang lan rộng trên toàn cầu. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 12%, thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD trong năm nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, linh hoạt ứng phó với hàng rào thuế quan, tính toán nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế, đánh giá khả năng hấp thụ lượng hàng hóa trị giá 100.000 tỷ đồng để có chiến lược xuất khẩu hợp lý…
Rủi ro lắm, thách thức nhiều
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vẫn là điểm sáng trên bức tranh kinh tế của nước ta. Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, tính đến hết 15/4/2025, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 119,62 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 16,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bắt đầu từ quý II trở đi, xuất khẩu của nước ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng trên 12%, thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD trong năm 2025 theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ là thách thức lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước dựng nên các rào cản thương mại…
Là một doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, chiếm tới 70% cơ cấu thị trường, May Sông Hồng như “ngồi trên đống lửa” trước những chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất lo ngại về đơn hàng với các đối tác khác nhập khẩu khác trước bất ổn thương mại, chiến tranh thương mại leo thang.
Đặc biệt, trong khi doanh nghiệp của nhiều ngành hàng khác đã tính đến chiến lược đa dạng hóa thị trường thì May Sông Hồng khó có thể triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi sang thị trường thay thế. Nguyên nhân chính là do tỷ suất lợi nhuận không tốt bằng thị trường Mỹ, hay những lo lắng về khả năng thanh toán của đối tác hoặc rủi ro khi các đối tác cũng là nhà phân phối lớn tại Mỹ…
Dưới góc độ hiệp hội, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2024. Trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành lo lắng do biên lợi nhuận của dệt may rất mỏng nên một biến động nhỏ về đơn hàng, thị trường hay thuế quan cũng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường châu Âu chú trọng đến phát triển bền vững đã đưa ra nhiều quy định mới khó tính hơn; hiện doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… “Đó là còn chưa kể đến việc thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải và nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ các hiệp định thương mại cũng bị suy giảm”, ông Cẩm chia sẻ.
Trả lời câu hỏi xuất khẩu nước ta đang đối diện với thách thức cơ bản nào, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, một trong những vấn đề lớn hiện nay là sự phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu, đơn cử như Mỹ. Bên cạnh đó, một số ngành hàng lại phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc - thị trường đang hứng chịu “mưa” thuế quan của Mỹ. “Điều này không chỉ làm tăng mức độ rủi ro cho các doanh nghiệp mà còn khiến Việt Nam dễ bị tác động bởi các biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Vì vậy, để đạt được mức tăng trưởng 12%, cần có sự thay đổi trong chiến lược xuất khẩu, hướng tới sự bền vững và hiệu quả hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế nên gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác. Nhiều mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày… vẫn đang đối diện với vấn đề dư thừa sản phẩm và giá cả thiếu ổn định, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Đa dạng hóa thị trường, linh hoạt vượt “bão” thuế quan
Trước tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lên chiến lược chủ động đầu vào, thông qua kế hoạch liên doanh đầu tư trong lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Bởi để “sống” được tại thị trường Mỹ cũng như một số thị trường cao cấp khác cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, minh bạch xuất xứ hàng hóa. Song song với đó, các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, tái cơ cấu, tìm kiếm giải pháp công nghệ và thương mại điện tử để tối ưu chi phí. Các công ty cũng đang có chiến lược tìm kiếm thêm các thị trường mới để giảm dần phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Về bài toán vĩ mô, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu như kỳ vọng, trước hết, các doanh nghiệp và hiệp hội, ngành hàng cần phân tích chi tiết về nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế, đánh giá khả năng hấp thụ lượng hàng hóa trị giá 100.000 tỷ đồng để có chiến lược xuất khẩu hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh về giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh những rủi ro thuế quan, rủi ro khi có biến động thương mại. Trong tất cả các con đường để mở rộng thị trường thì việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là rất quan trọng. Hiện Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 17 hiệp định đã có hiệu lực. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cam kết, khai thác hiệu quả cơ hội để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các quốc gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp để đạt được mục tiêu xuất khẩu như đẩy mạnh khai thác các thị trường mới như Trung Đông, các nước “cửa ngõ” châu Âu… thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm giảm thời gian vận chuyển và chi phí xuất khẩu. Hiện Bộ đang đẩy mạnh đàm phán, kết thúc đàm phán FTA với các nước Trung Đông, Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan… để tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng như: Trung Đông, Halal, Mỹ Latin, châu Phi.
Đồng thời, các ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa năng suất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị phòng vệ thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng tránh rủi ro về gian lận xuất xứ, nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá.
Bàn về vấn đề này, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, tận dụng tốt một số FTA sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, chuyển dịch từ xuất khẩu các mặt hàng giá trị thấp sang giá trị cao. “Chính phủ đã thi hành những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa như cung cấp các khoản vay và chính sách thuế ưu đãi, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất cũng như có tiềm lực để xúc tiến xuất khẩu, đưa hàng hóa thâm nhập các thị trường mới”, ông Nam cho biết thêm./.