Bạn có bao giờ tự hỏi một viên kim cương, một chiếc túi xách hàng hiệu đã trải qua những công đoạn nào, được làm từ đâu và trong điều kiện nào không? Giờ đây, mọi thông tin về "cuộc đời" sản phẩm đều có thể được hé lộ chỉ bằng một mã QR.
Đây là sáng kiến đột phá đến từ iTraceiT, một công ty công nghệ có trụ sở tại Braine-le-Comte, vùng Hainaut, Bỉ, chuyên phát triển giải pháp truy xuất nguồn gốc cho kim cương, các mặt hàng xa xỉ và sản phẩm giá trị cao. Mục tiêu của iTraceiT là mang lại sự minh bạch tuyệt đối từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.
Tháng 4 vừa qua, iTraceiT đã thành công huy động 1,5 triệu Euro (1,7 triệu USD) từ các nhà đầu tư tư nhân (thông qua Spreds và mạng lưới Business Angels Netwerk Vlaanderen - BAN Flanders) cũng như các nhà đầu tư công, trong đó có Wallonie Entreprendre, công ty đầu tư công của vùng Wallonia.
Năm 2023, khi lệnh cấm vận kim cương Nga trở thành một vấn đề nóng ở châu Âu, iTraceiT đã tiên phong tạo ra "hộ chiếu nhận diện kim cương" đầu tiên trên thế giới bằng mã QR. Đồng sáng lập công ty, ông Guy Desmet, giải thích rằng hệ thống cho phép các bên liên quan, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ, cùng nhập dữ liệu vào một nền tảng tập trung, từ đó giúp người tiêu dùng cuối cùng truy vết được toàn bộ vòng đời của sản phẩm.
Việc áp dụng công nghệ này không chỉ dừng lại ở ngành kim cương. iTraceiT đã mở rộng sang các lĩnh vực thời trang xa xỉ như túi xách. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao về minh bạch, các thương hiệu không còn nhiều lựa chọn ngoài việc công khai nguồn gốc sản phẩm. Theo bà Jennifer Moriconi, phụ trách phát triển quốc tế của công ty, những doanh nghiệp minh bạch được nhìn nhận là có trách nhiệm, trong khi những đơn vị từ chối chia sẻ thông tin thường bị đặt nghi vấn về tính chính trực.
Với mạng lưới 160 khách hàng trải dài trên toàn cầu, iTraceiT được cho là đã nhanh chóng khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, nhờ vào khả năng đáp ứng cả yêu cầu minh bạch từ các thương hiệu và tuân thủ những quy định khắt khe của châu Âu. Bà Jennifer Moriconi nhận định rằng châu Âu hiện là khu vực có hệ thống quy định nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, thường được xem là hình mẫu trong lĩnh vực này. Bà cho biết thêm, iTraceiT đang phục vụ nhiều khách hàng tại Ấn Độ, Dubai và Mỹ, những thị trường có nhu cầu tương tự và đang dần thích ứng với các tiêu chuẩn do châu Âu đặt ra.
Bà Jennifer Moriconi cho rằng việc sở hữu nền tảng châu Âu mang lại cho iTraceiT lợi thế cạnh tranh rõ rệt, nhất là trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang ngày càng phức tạp. Theo bà, việc là một doanh nghiệp châu Âu với hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt tại khu vực này đã giúp công ty giành được sự tin tưởng từ các đối tác trong và ngoài khu vực. Bà cũng lưu ý trong thời đại hiện nay, dữ liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng và bảo vệ thông tin khách hàng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của iTraceiT - yếu tố giúp công ty vượt trội so với nhiều đối thủ ngoài EU.
Dù hiện tại iTraceiT tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao, nhưng tầm nhìn dài hạn của công ty lại hướng đến việc phổ cập công nghệ này cho các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đại diện công ty chia sẻ việc truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ người lao động được trả công thế nào, đến điều kiện sản xuất, sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới trong tiêu dùng có trách nhiệm.
Để phục vụ mục tiêu này, iTraceiT dự kiến mở rộng đội ngũ nhân sự từ 15 người lên 50 người trong vòng 5 năm tới. Công ty đặt tham vọng trở thành chuẩn mực toàn cầu không chỉ trong ngành hàng xa xỉ mà còn trong thị trường tiêu dùng phổ thông, nơi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về minh bạch, đạo đức và tính bền vững./.