Đất khoa bảng Làng Đông Ngạc, trăm năm giữ lại nếp làng

Trần Hạnh - Thứ sáu, ngày 28/03/2025 07:31 GMT+7

"Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ" - câu lưu truyền trong dân gian hàng ngàn năm qua nhằm ca ngợi đất hiếu học làng Đông Ngạc nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Nhiều người truyền nhau, đất này tụ nhiều vượng khí, chính vì vậy sinh ra không ít người tài. Đến ngày nay truyền thống hiếu học đó vẫn được lớp lớp thế hệ người làng Đông Ngạc gìn giữ và phát huy.

Đất khoa bảng Làng Đông Ngạc, trăm năm giữ lại nếp làng
Ngôi làng có truyền thống hiếu học

Về Đông Ngạc thăm làng tiến sĩ 

Trong sự biến thiên của lịch sử, dấu tích của kinh thành Thăng Long xưa dần được thay thế bằng thủ đô ngày càng nhộn nhịp, hiện đại. Những tên gọi như Kẻ Vẽ, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc,... nhường chỗ cho các đơn vị hành chính phường xã.

Tên gọi dù thay đổi nhưng sự thật về ngôi làng khoa bảng nằm bên bờ sông Hồng vẫn còn mãi. Những mái ngói, những viên gạch ở làng Kẻ Vẽ, Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) vẫn hằn in câu chuyện về một ngôi làng cổ với truyền thống hiếu học bậc nhất Kinh Kỳ.

Gặp ông Lê Văn Đôn - Trưởng ban Quản lý Di tích đình Đông Ngạc, cũng là bậc cao niên trong làng, câu chuyện về vùng đất khoa bảng dần được mở ra. Trong câu chuyện được kể ở sân đình, ông Đôn mắt sáng ngời khi nói về làng mình.

“Làng Đông Ngạc có truyền thống hiếu học từ xa xưa. Cụ Phan Phu Tiên là người đầu tiên đỗ khai khoa cho làng đồng thời là Lưỡng triều Tiến sĩ, bởi cụ thi và đỗ tiến sĩ 2 lần vào triều đại nhà Trần và nhà Hậu Lê. Tiếp nối sau đó, làng Đông Ngạc có 22 tiến sĩ, 21 tiến sĩ văn và 1 tiến sĩ võ cùng hàng trăm cử nhân, tú tài.

Khi xưa triều đình phong kiến quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng. Chính vì thế, làng Đông Ngạc mới có tiếng là đất khoa bảng, cũng lý giải vì sao có câu đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” - ông Đôn kể lại.

Với số lượng tiến sĩ đó, làng Đông Ngạc đứng thứ 3 cả nước về số lượng Tiễn sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương và làng Kim Đôi ở Bắc Ninh. Ngoài ra, trên mảnh đất khoa bảng nổi tiếng này, những năm 40 của thế kỷ 20, Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã gây dựng cơ sở an toàn khu để từ đây chỉ đạo phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và cả nước.

“Tinh thần hiếu học thấm đẫm tinh thần yêu nước trở thành truyền thống quý báu ngàn đời để con cháu noi theo” - ông Đôn bộc bạch.

Tiếp nối truyền thống ông cha

Gần trung tâm Hà Nội, bởi thế làng Đông Ngạc khó tránh khỏi những đổi thay của cuộc sống hiện đại, với tốc độ đô thi hóa nhanh chóng. Những nếp nhà cổ, mái ngói rêu phong dần được trùng tu hoặc thay bằng những ngôi nhà kiến trúc hiện đại. Thế nhưng, sau cả thế kỷ, truyền thống hiếu học vẫn được lớp lớp thế hệ người làng Đông Ngạc giữ gìn và phát huy. 

73e9554edf7d6f23366c.jpg

Bia đá khắc tên tiến sĩ được lưu giữ tại Đình Vẽ. Ảnh: Trần Hạnh 

Tại Đình Vẽ, văn chỉ, bia đá khắc tên tiến sĩ được lưu giữ cẩn thận. Mỗi dịp thi cử, đình vẫn là nơi con cháu trong làng tìm đến. Trong sân đình, bên ấm chè đặc hay trong bữa cơm gia đình hàng ngày, những câu chuyện lịch sử về đất hiếu học, những lời răn dạy trở nên vô cùng quen thuộc. Tất cả đều minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất này.

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Bí thư chi bộ Tổ dân phố Đông Ngạc 2, bà cho biết mỗi tổ dân phố của phường đều có chi hội khuyến học. Không nhớ rõ chi hội được thành lập từ năm nào, bà Hồng chỉ nhớ, từ khi vẫn là thôn xóm bé xíu đến khi thành lập quận, phường, tổ dân phố, các chi hội khuyến học vẫn liên tục hoạt động.

“Chi hội khuyến học sẽ tập hợp danh sách về thành tích học tập, đỗ đạt trong các kỳ thi quốc gia, kỳ thi đại học của con em các gia đình trong làng, từ đó kịp thời khen thưởng, khuyến khích tinh thần học tập, rèn luyện.

Mỗi tổ dân phố của phường Đông Ngạc đều có 1 chi hội khuyến học. Ngoài ra, các gia đình, dòng họ cũng lập quỹ khuyến học riêng. Tinh thần khuyến học được người dân ủng hộ rất nhiệt tình, họ tình nguyện góp sức, góp của vào các hoạt động. Sự chung tay của toàn thể người dân là yếu tố then chốt tạo nên thành công của chi hội khuyến học các tổ dân phố trên địa bàn phường Đông Ngạc” - bà Hồng cho biết.

Bên cạnh chi hội khuyến học, tổ dân phố Đông Ngạc 2 còn phát động mô hình học tập cộng đồng. Ở đó, toàn dân được cổ vũ tinh thần tự học, tự tìm hiểu kiến thức qua sách, báo, đài. Câu chuyện học và tự học dường như trở thành niềm đam mê, mục tiêu phấn đấu và cố gắng của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, không chỉ trong thời phong kiến, mà ở thời nay, làng Đông Ngạc vẫn có những tên tuổi rất nổi tiếng, được sử sách ghi danh như: Sĩ phu Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...

Dấu tích xưa phai nhạt, tên xưa, làng cũ chỉ còn trong trí nhớ của những bậc cao niên nhưng tinh hoa đất học làng Đông Ngạc vẫn như viên ngọc sáng rọi, không cách nào che lấp.

Bài liên quan
Số ca mắc sởi tại Mỹ đã vượt tổng số ca của cả năm ngoái, nguy cơ dịch kéo dài tới năm 2026 nếu không kiểm soát hiệu quả
Số ca mắc sởi tại Mỹ đã vượt tổng số ca của cả năm ngoái, nguy cơ dịch kéo dài tới năm 2026 nếu không kiểm soát hiệu quả
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện cả hai hình thức thi tuyển và xét tuyển để tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026.
28/03/2025
Không chỉ là thức uống giải khát đơn thuần, những loại nước ép ít calo dưới đây còn có khả năng hỗ trợ giảm cân hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khoẻ.
28/03/2025
Phương pháp này có thể tạo ra phản ứng miễn dịch ức chế nhiều loại khối u trong các mô hình tiền lâm sàng.
28/03/2025
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa có công văn gửi trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh trong trường học.
28/03/2025
Tin mới