Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang có nhiều ý kiến khác nhau về thuế suất, mức thuế, lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính và cơ quan thẩm tra tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp để thu thập thêm thông tin và dữ liệu chi tiết cho phương án tăng thuế, từ đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Doanh nghiệp đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng đề xuất giảm mức tăng và kéo dài lộ trình. Đối với bia, rượu trên 20 độ, Bộ Tài chính đang xem xét phương án tăng thuế lên 80% vào năm 2026 và đạt 100% vào năm 2030.
Thay vào đó, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất tăng thuế từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi năm trong 5 năm liên tiếp, tương tự phương án 1.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu trên 20 độ, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2: Tăng thuế lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng, để kích cầu tiêu dùng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên được lùi đến năm 2028, khi đầu tư và tiêu dùng đang là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mang lại nguồn thu ngân sách, hạn chế tiêu dùng hàng xa xỉ và bảo vệ sức khỏe, môi trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng để có phương án tăng thuế phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: "Phải tính toán thế nào cho hài hòa các lợi ích, còn chúng ta chỉ đưa để số thu tăng lên thì có khi nó lại ngược lại. Không giảm thiểu tiêu dùng, mà có khi chuyển sang các sản phẩm khác và có khi ngân sách thất thu bởi buôn lậu, các sản phẩm không chính thống".
VCCI sẽ tổng hợp ý kiến và gửi báo cáo để chỉnh sửa dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.